Theo kênh truyền hình Al Jazeera, kết thúc Phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 10 kéo dài hai ngày tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn “ngay lập tức và bền vững vì mục đích nhân đạo” giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và tổ chức phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.
Với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng, việc thông qua nghị quyết được coi là bước đi mang tính biểu tượng, thể hiện nỗ lực của LHQ và các nước thành viên trong việc tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng cũng như lối thoát cho cuộc xung đột hiện nay. Trước đó, Hội đồng Bảo an-cơ quan quyền lực nhất của LHQ-đã tiến hành bỏ phiếu về 4 bản dự thảo nghị quyết, song chưa một văn kiện nào được thông qua do vấp phải bất đồng giữa các thành viên.
 |
Nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với số phiếu áp đảo (ảnh minh họa).
|
Bên cạnh việc kêu gọi ngừng bắn, nghị quyết mới nhất của Đại hội đồng LHQ cũng yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mọi con tin, đồng thời bảo đảm việc cung cấp các nhu yếu phẩm “liên tục, đầy đủ và không bị cản trở” tới người dân đang bị mắc kẹt trong khu vực.
Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của Đại hội đồng LHQ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế. Cựu báo cáo viên đặc biệt của LHQ StanleyMichael Lynk nhận định, dù không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý song nghị quyết trên là “một phong vũ biểu khá chính xác về quan điểm ngoại giao quốc tế và dư luận quốc tế” đối với cuộc xung đột ở Gaza. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước những diễn biến đang ngày càng phức tạp tại dải Gaza, đồng thời lên án các hành động tấn công gây thương vong lớn cho dân thường ở cả Israel và Palestine.
Phản ứng trước nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan tuyên bố, một lệnh ngừng bắn đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho Hamas “có thêm thời gian để tái vũ trang chống lại Israel”, đồng thời giúp tổ chức này “chuyển hướng các mặt hàng cứu trợ như nước, nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men cho các chiến binh của mình”. “Israel phản đối lệnh ngừng bắn vì mục đích nhân đạo vào thời điểm này”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat kiên quyết tuyên bố.
Ở một góc độ khác, việc thông qua nghị quyết cũng cho thấy sự chia rẽ công khai đầu tiên giữa Israel và các đồng minh như Mỹ, Liên minh châu Âu với các thành viên khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) như Nhật Bản, Đức, Italy, Anh kể từ đầu chiến sự, Reuters nhận định.
Dường như “bị choáng váng trước sự chỉ trích và lo ngại ngày càng tăng của quốc tế trước các cuộc không kích vào dải Gaza”, như Reuters mô tả, ngay trong ngày 28-10, Israel đã dồn dập tiến hành các cuộc không kích tấn công 150 "mục tiêu dưới lòng đất" tại phía Bắc dải Gaza, bao gồm các đường hầm, không gian tác chiến và cơ sở hạ tầng dưới lòng đất. IDF tuyên bố, các cuộc không kích đã tiêu diệt nhiều tay súng Hamas, trong đó Asem Abu Rakaba-một chỉ huy của Hamas-bị Israel cáo buộc tham gia lên kế hoạch cho cuộc tập kích ngày 7-10.
Trong một diễn biến có liên quan, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin, hơn 2 triệu người dân ở Gaza bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài, sau khi mạng lưới internet và điện thoại ở khu vực này bị đánh sập bởi các cuộc không kích mới nhất của Israel. Trong chương trình truyền hình vệ tinh trực tiếp từ Gaza sáng 28-10, phóng viên Al Jazeera mô tả việc cắt đứt internet và điện thoại là “thảm họa” đối với các nỗ lực cứu hộ sau đêm Israel không kích dữ dội vào dải Gaza, người dân không thể gọi xe cứu thương. Còn Ủy ban Bảo vệ nhà báo đưa ra tuyên bố, tình trạng “mù thông tin” có thể dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng”, khiến thế giới "mất đi cơ hội nhìn vào thực tế" của cuộc xung đột, tạo cơ hội làm lan truyền thông tin sai lệch. Nhiều tổ chức hoạt động nhân đạo cho biết không thể liên lạc với các nhân viên tại Gaza và bày tỏ đặc biệt lo lắng cho bệnh nhân, nhân viên y tế cùng hàng nghìn gia đình đang trú ẩn tại Bệnh viện Al Shifa và các cơ sở y tế khác ở Gaza.
HIỀN MINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.