Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News rằng liệu mối quan hệ với nhà lãnh đạo Mỹ có thể được cứu vãn hay không, Tổng thống Zelensky trả lời điều đó là "tất nhiên”.
Ông Zelensky giải thích rằng, mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ không chỉ liên quan đến cá nhân các Tổng thống, mà còn liên quan đến sự hỗ trợ lớn mà Mỹ cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng giúp Ukraine đứng vững.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng từ chối xin lỗi vì cuộc tranh cãi với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Ông khẳng định tôn trọng Tổng thống Trump cũng như người dân Mỹ và không cho rằng đã làm điều gì sai.
 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 28-2. |
Trước đó cùng ngày, một số nguồn tin phương Tây cho biết, trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 28-2 để thảo luận về xung đột Nga - Ukraine và hợp tác khai thác khoáng sản, Tổng thống Trump và người đồng cấp Zelensky đã có cuộc “tranh cãi” do bất đồng quan điểm.
Ông Zelensky đã kêu gọi người đồng cấp Trump thận trọng với Nga. Ngược lại, nhà lãnh đạo Mỹ tỏ ra không hài lòng về thái độ của đối tác. Tranh cãi khiến nhà lãnh đạo Ukraine rời Nhà Trắng sớm hơn dự kiến. Hai bên không họp báo chung và cũng không ký thỏa thuận khoáng sản như dự kiến. Phía Mỹ cho biết, việc ký kết thỏa thuận này có được nối lại hay không tùy thuộc vào Ukraine, vì ông Zelensky hiện vẫn ở Mỹ.
Trong khi đó, Phó chủ tịch điều hành Viện Hudson Joel Scanlon cho biết, buổi xuất hiện dự kiến của Tổng thống Ukraine Zelensky tại viện này ở Washington, D.C. trong ngày 28-2 (giờ địa phương) đã bị hủy bỏ. Ngoài ra, một hoạt động khác của ông Zelensky tại Nhà Ukraine ở Washington tối cùng ngày cũng sẽ không diễn ra theo kế hoạch.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Tổng thống Trump đã "kiềm chế" trong cuộc gặp với người đồng cấp Zelensky tại Nhà Trắng.
Trong khi đó, một số nước khác lên tiếng ủng hộ Ukraine và thể hiện cam kết duy trì hỗ trợ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: “Không ai mong muốn hòa bình hơn người dân Ukraine. Đó là lý do chúng tôi đang cùng nhau tìm kiếm con đường dẫn tới hòa bình lâu dài và công bằng. Ukraine có thể tin tưởng Đức và châu Âu". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Canada "đã đúng" khi hỗ trợ Ukraine và áp lệnh trừng phạt Nga, khẳng định các nước sẽ tiếp tục làm vậy.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly đưa ra cam kết tương tự, khẳng định nước này sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an ninh, chủ quyền và năng lực phục hồi của Ukraine. Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Moldova Maia Sandu và Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đứng về phía Ukraine.
Về phần mình, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.