Theo báo Le Figaro của Pháp, nhóm IS-K được thành lập năm 2015, nổi tiếng vì “sự tàn bạo”, đặc biệt được biết đến là tác giả của vụ tấn công sân bay Kabul vào tháng 8-2021. Tờ New York Times trích dẫn các nguồn tin an ninh Mỹ cho biết, K (hay Khorasan) trong tiếng Ba Tư có nghĩa là "nơi mặt trời đến", là tên gọi thời trung cổ của Afghanistan.

Thủ phạm của nhiều vụ tấn công đẫm máu

Theo các quan chức chống khủng bố của Mỹ được The New York Times dẫn lời, sau một thời gian yên bình, IS-K một lần nữa gia tăng “các cuộc tấn công từ bên ngoài”. “IS-K tự khẳng định mình là nhánh IS có xu hướng quốc tế nhất”, Lucas Webber, người đồng sáng lập trang web Militant Wire, nhấn mạnh. Theo ông Webber, xu hướng quốc tế của IS-K là tiến hành chiến dịch tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ hơn bất kỳ các nhánh khủng bố khác kể từ thời kỳ đỉnh cao của tổ chức IS tự xưng ở Iraq và Syria. Ông này nói thêm: “Xu hướng quốc tế bao gồm một chiến dịch đầy tham vọng và quyết liệt nhằm tăng cường khả năng hoạt động bên ngoài và tấn công nhiều mục tiêu ở nước ngoài”. Tờ The New York Times nhấn mạnh rằng, “hầu hết các âm mưu khủng bố của IS-K ở châu Âu đều bị thất bại, dẫn đến những nhận định cho rằng nhóm này đã bị suy yếu”.

leftcenterrightdel

IS-K bị nghi ngờ đứng sau vụ tấn công khủng bố ở Crocus tối 22-3 vừa qua. Ảnh: AFP

IS-K được biết đến là thủ phạm đứng sau vụ tấn công vào sân bay quốc tế Kabul tháng 8-2021, giữa lúc Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan. Vụ tấn công này khiến 13 lính Mỹ và 170 thường dân thiệt mạng. Kể từ đó, Taliban đã tiến hành cuộc chiến chống lại IS-K ở Afghanistan. Một trong những thủ lĩnh của IS-K, đồng thời là kẻ chủ mưu vụ tấn công trên, đã bị Taliban tiêu diệt vào tháng 4-2023. Các thủ lĩnh Afghanistan đã ngăn cản các chiến binh IS-K chiếm giữ lãnh thổ hoặc chiêu mộ một số lượng lớn các tay súng Taliban chán thời bình.

Gần đây nhất, IS-K nhận trách nhiệm về vụ đánh bom khiến 84 người thiệt mạng ở Kerman, Iran trong lễ tưởng niệm Thiếu tướng Qassem Soleimani. Vào tháng 9-2022, IS-K cũng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công liều chết nhằm vào Đại sứ quán Nga ở Kabul.

Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York, cho biết: “IS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua. IS-K cáo buộc Điện Kremlin can thiệp vào Afghanistan, Chechnya và Syria”.

Trong tầm ngắm của cơ quan chức năng

Sau khi thành lập năm 2015, IS-K đã hoạt động tích cực nhưng sau đó chứng kiến số lượng thành viên giảm vào năm 2018. Các lực lượng Taliban và Mỹ đã gây tổn thất nặng nề cho IS-K. Gần đây, Washington cho biết khả năng thu thập thông tin tình báo để ngăn ngừa các nhóm cực đoan như IS ở Afghanistan đã bị suy giảm kể, nhất là từ khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này năm 2021.

Tuy nhiên, IS-K vẫn nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh các nước. Trung tuần tháng 3 này, lực lượng an ninh Đức đã bắt giữ 2 nghi phạm người Afghanistan do bị cáo buộc chuẩn bị một cuộc tấn công gần quốc hội Thụy Điển, trong bối cảnh quốc gia Scandinavia này bị đe dọa khủng bố sau vụ đốt kinh Koran. Một trong số 2 nghi phạm trên đã gia nhập IS-K hoạt động tại Đức.

Mới đây, ngày 7-3, nhà chức trách Nga tuyên bố đã tiêu diệt một số thành viên tình nghi là phần tử IS-K trong một chiến dịch ở vùng Kaluga, phía Tây Nam Moscow khi những người này chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào một giáo đường Do Thái ở thủ đô của Kazakhstan.

Tuy nhiên, liệu IS-K có nhúng tay vào vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall tối 22-3 vừa qua đến nay vẫn chưa được xác định. Hiện các cơ quan chức năng của Nga đang tích cực điều tra kẻ chủ mưu đứng sau vụ tấn công đẫm máu làm ít nhất 133 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương. 

PHƯƠNG LINH (theo Le Figaro)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.