Tình trạng béo phì tiến triển “nhanh hơn dự đoán”

Theo nghiên cứu trên, từ năm 1990 đến năm 2022, tỷ lệ béo phì trong dân số thế giới đã tăng gấp 4 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên và tăng gấp đôi ở người lớn. Giáo sư Francesco Branca, Giám đốc bộ phận “Dinh dưỡng cho sức khỏe và phát triển” của WHO, lưu ý béo phì tiến triển “nhanh hơn dự đoán”. Giáo sư Majid Ezzati của trường Imperial College London (Anh), một trong những tác giả chính của nghiên cứu, giải thích rằng, ngưỡng một tỷ người mắc bệnh béo phì ban đầu được dự kiến xảy ra vào năm 2030.

Dựa trên dữ liệu thu được ở hơn 190 quốc gia, công trình nghiên cứu này chỉ ra rằng, năm 2022 có gần 880 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh béo phì (504 triệu phụ nữ và 374 triệu nam giới). Trong khi đó, năm 1990, chỉ có 195 triệu người béo phì trên toàn cầu.

leftcenterrightdel

Béo phì tác động tới 1/8 dân số thế giới. Ảnh minh họa/bionity.com 

Kể từ năm 1990, tỷ lệ béo phì ở nam giới đã tăng gần gấp ba lần (từ 4,8% năm 1990 lên 14% năm 2022) và tăng hơn gấp đôi ở phụ nữ (từ 8,8% lên 18,5%), với sự chênh lệch giữa các quốc gia. Đáng lo ngại hơn, năm 2022, béo phì đã ảnh hưởng tới gần 160 triệu trẻ em và thanh thiếu niên (94 triệu bé trai và 65 triệu bé gái). Khoảng 30 năm trước đó, con số này là 31 triệu trẻ em.

Béo phì là căn bệnh mãn tính phức tạp và đa yếu tố, đi kèm với sự gia tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh lý khác, bệnh tim mạch, tiểu đường và một số bệnh ung thư. Trong đại dịch Covid-19, thừa cân là một yếu tố rủi ro, gây nguy cơ tử vong cao, là một minh họa cho điều này.

Nghiên cứu cũng cho thấy, một số quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, đặc biệt là ở Polynesia và Micronesia, Caribe, Trung Đông và Bắc Phi, tỷ lệ béo phì hiện nay cao hơn nhiều quốc gia công nghiệp phát triển, đặc biệt là ở châu Âu.

Giáo sư Francesco Branca nhận xét: “Trước đây, chúng ta có xu hướng coi béo phì là vấn đề của các nước giàu, thì giờ đây nó là vấn đề toàn cầu”. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới tác động của “sự chuyển đổi nhanh chóng của hệ thống thực phẩm ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình”. Ngược lại, tình trạng béo phì đang có xu hướng suy giảm ở một số quốc gia Nam Âu, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tây Ban Nha và Pháp là những ví dụ đáng chú ý.

Gánh nặng gấp đôi

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hiện nay ở hầu hết các quốc gia, số người bị ảnh hưởng bởi béo phì nhiều hơn là thiếu cân. Tỷ lệ thiếu cân đã giảm kể từ năm 1990.

Tuy nhiên, thiếu cân vẫn là một vấn đề lớn ở một số khu vực trên thế giới, chẳng hạn như Nam Á hoặc châu Phi cận Sahara. Nó có liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ và trẻ nhỏ trước và sau khi sinh con, hoặc nguy cơ tử vong cao hơn do các bệnh truyền nhiễm.

Nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải gánh chịu “gánh nặng kép” về tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì. Một bộ phận dân số vẫn không được cung cấp đủ lượng calo, trong khi một bộ phận khác không còn gặp phải vấn đề này nhưng chế độ ăn uống của họ kém chất lượng.

leftcenterrightdel
Trẻ em Pháp tham gia hoạt động thể thao ngoài trời. Ảnh: varmatin.com

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO khẳng định: “Nghiên cứu mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh béo phì từ khi còn nhỏ cho đến trưởng thành, thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu”. Tổng giám đốc WHO kêu gọi sự hợp tác từ khu vực tư nhân, nơi phải chịu trách nhiệm về tác động của sản phẩm của mình đối với sức khỏe người dân. Theo Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cần áp dụng triệt để các biện pháp như: Đánh thuế đồ uống có đường, trợ cấp thực phẩm lành mạnh, hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em, khuyến khích hoạt động thể chất… Có như vậy mới hy vọng giảm tỷ lệ béo phì trong tương lai.

PHƯƠNG LINH (theo actu.orange.fr)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.