Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền được Reuters đăng tải ngày 8-8, Bộ trưởng Shin Won-sik nhấn mạnh việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa vị thế ngoại giao cũng như nền kinh tế của Hàn Quốc. "Quan hệ đồng minh của chúng tôi với Mỹ sẽ rạn nứt. Nếu chúng tôi rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ kéo theo nhiều hậu quả khác nhau, đầu tiên là cú sốc tức thời đối với thị trường tài chính của chúng tôi", Bộ trưởng Shin Won-sik nêu rõ.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik trả lời phỏng vấn Reuters. Ảnh: Reuters 

Theo Reuters, trong bối cảnh Triều Tiên đang nhanh chóng mở rộng các năng lực tên lửa và hạt nhân, dư luận Hàn Quốc trong những tháng gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi Seoul theo đuổi vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Shin Won-sik khẳng định các nỗ lực của liên minh Mỹ-Hàn nhằm tăng cường năng lực răn đe chính là biện pháp "dễ dàng nhất, hiệu quả nhất và hòa bình" để đối phó với cái gọi là các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Tạp chí World Population Review ước tính, thế giới hiện có khoảng 13.080 đầu đạn hạt nhân, với khoảng 90% trong số này thuộc sở hữu của Nga và Mỹ. Nga hiện sở hữu tổng số 6.257 đầu đạn hạt nhân với 1.458 trong số này đang được triển khai. Mỹ có 5.550 đầu đạn hạt nhân với 1.389 trong số này đang được triển khai. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. Kho vũ khí hạt nhân hiện nay được cho là hoàn toàn có khả năng phá hủy toàn bộ thế giới. Trong khi đó, quan hệ giữa các quốc gia hạt nhân căng thẳng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ kích hoạt chiến tranh hạt nhân. Đó là chưa kể nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước vô trách nhiệm. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận định, kỷ nguyên giải trừ vũ khí hạt nhân “dường như sắp đến hồi kết” và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

NHẬT MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.