Hội đồng ban giám khảo, dẫn đầu bởi kiến trúc sư người Chile, chủ nhân giải Pritzker 2016 Alejandro Aravena, khẳng định kiến trúc sư Riken Yamamoto được chọn “trước hết vì ông nhắc nhở chúng ta rằng trong các vấn đề kiến trúc, không gian phải được tạo ra bởi sự quyết tâm của người dân”. Kiến trúc của ông Yamamoto không quy định bất cứ điều gì nhưng cho phép mọi người định hình cuộc sống trong các khu phức hợp của các tòa nhà với sự sang trọng, chuẩn mực, thơ mộng và niềm vui. Theo Chủ tịch Hội đồng ban giám khảo Alejandro Aravena, một trong những điều chúng ta cần nhất trong tương lai ở các thành phố là tạo điều kiện thông qua kiến trúc để nhân lên nhiều cơ hội mà mọi người gặp gỡ và trao đổi.

leftcenterrightdel

 Kiến trúc sư Riken Yamamoto chủ nhân Giải thưởng Pritzker 2024. Ảnh: AP

Bày tỏ vinh dự khi nhận giải thưởng Pritzker 2024, kiến trúc sư Yamamoto chia sẻ:  “Cách tiếp cận kiến trúc hiện nay nhấn mạnh đến sự riêng tư trong khi phủ nhận nhu cầu về các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp tục tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân khi cùng chung sống trong một không gian kiến trúc, tạo nên sự hòa hợp giữa các nền văn hóa và các giai đoạn của cuộc sống".

Sinh ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ông Yamamoto theo học chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Nihon, Đại học Nghệ thuật Tokyo và Đại học Tokyo (Nhật Bản) trước khi thành lập studio Yamamoto & Field Shop Co vào năm 1973. 

Các công trình của ông có góc độ tiếp cận kiến trúc mới lạ, công nhận sự cần thiết của các mối quan hệ xã hội và ưu tiên tích hợp các không gian ngoài trời như: Sân hiên, sân trong… để kích thích sự tương tác giữa tòa nhà với môi trường xung quanh.

leftcenterrightdel
 Thư viện ở Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc-một trong những công trình do kiến trúc sư Nhật Bản Riken Yamamoto thiết kế. Ảnh: AFP

Trong suốt sự nghiệp kéo dài 5 thập kỷ của mình, kiến trúc sư Yamamoto đã xây dựng đa dạng thể loại công trình, từ nhà ở, trường học, khuôn viên cho đến tòa nhà dân sự, bảo tàng và thậm chí cả trạm cứu hỏa. Trong đó, nổi bật nhất là dự án phát triển nhà ở thấp tầng Pangyo tại Seongnam, Hàn Quốc - nơi có không gian giao lưu cho cư dân ở tầng một và Bảo tàng Nghệ thuật Yokosuka với bệ quan sát cong trên tầng cao nhất. 

Riken Yamamoto là kiến trúc sư Nhật Bản thứ 9 giành được giải thưởng Pritzker, sau Arata Isozaki, Shigeru Ban, Toyo Ito, Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa, Tadao Ando, Fumihiko Maki và Kenzo Tange. Nhật Bản là quốc gia giành được giải Pritzker nhiều lần nhất trong lịch sử 53 năm của giải thưởng này.

 

TIẾN ĐẠT (theo AFP)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.