Theo Reuters, Đức sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến các bộ trưởng nông nghiệp của nhóm G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) vào ngày 11-3 tới, để thảo luận về tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu và cách ổn định tốt nhất thị trường lương thực.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 8-3, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Oezdemir cho biết, việc cung cấp lương thực ở Đức và Liên minh châu Âu (EU) vẫn được đảm bảo, nhưng tình trạng thiếu hụt lớn có thể xảy ra ở một số nước bên ngoài EU, đặc biệt là những nơi hiện đang trong tình trạng khan hiếm lương thực do nhiều nguyên nhân như hạn hán.
 |
Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá nông sản leo thang. Ảnh: Getty Images
|
Đức hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên G7 trong năm nay. Giá các mặt hàng nông sản đã tăng mạnh do xung đột giữa Nga và Ukraine - hai quốc gia chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì, 19% nguồn cung ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá lúa mỳ tăng gần 3%, lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá ngô cũng leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5-2021.
Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax (Nga) dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết, các quốc gia G7 (gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) đang có kế hoạch áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với Nga, tương tự như những hạn chế đã áp dụng đối với Belarus.
Ông nói, các nước G7 đang dự định tuyên bố hủy bỏ chế độ đối xử tối huệ quốc trong thương mại với Nga và Belarus. "Động thái này có thể mở đường cho việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga và Belarus. Canada đã thông báo về điều này. Công việc hiện đang được triển khai thực hiện ở cấp G7 và rộng hơn. Quyết định có thể chính thức được đưa ra trong vài ngày tới”, ông Dombrovskis tiết lộ.
THƯ ANH
Theo Reuters, Sputniknews, ngày 7-3, nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết trong vòng đàm phán thứ ba với Nga, hai bên đã đạt được một vài tiến triển nhỏ về hoạt động hậu cần sơ tán dân thường, song không có thỏa thuận nào có thể cải thiện đáng kể tình hình chung.