Các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực ngay sau khi danh sách các cá nhân và thực thể bị trừng phạt được công bố trên Tạp chí chính thức của EU.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell nhấn mạnh, vòng trừng phạt thứ tư này lại là một đòn giáng mạnh nữa vào cơ sở kinh tế và hậu cần của Nga. Mục đích của các biện pháp trừng phạt là để Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

 EU đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga. Ảnh: Getty Images.

Theo giải thích của Ủy ban châu Âu (EC), hàng hóa xa xỉ bao gồm ô tô và đồ trang sức đắt tiền. EC cho rằng việc hạn chế nhập khẩu thép từ Nga có thể khiến Moscow mất doanh thu 3,3 tỷ euro.

EU cấm tất cả các giao dịch với một số doanh nghiệp nhà nước và bất kỳ dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nào liên quan đến Nga. "EU đã quyết định cấm tất cả các giao dịch với một số doanh nghiệp nhà nước, việc cung cấp bất kỳ dịch vụ đánh giá tín dụng nào, cũng như tiếp cận bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến hoạt động đánh giá tín dụng đối với bất kỳ cá nhân hoặc cơ quan nào của Nga", tuyên bố của EC nêu rõ.

Ngoài ra, EU và các thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đồng ý bãi bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc đối với hàng hóa và dịch vụ của Nga tại các thị trường của EU.

Bên cạnh đó, EU cũng quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà tài phiệt chủ chốt, các nhà vận động hành lang và tuyên truyền quảng bá cho Điện Kremlin về chiến dịch ở Ukraine, cũng như các công ty chủ chốt trong ngành hàng không, quân sự, đóng tàu và kỹ thuật.

THÙY LINH