Ngày 25-7, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel hiện đang cân nhắc “các lựa chọn thay thế" để đạt được mục tiêu đưa các con tin từ Gaza trở về và chấm dứt sự hiện diện của Hamas tại vùng đất này. Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Donald Trump cũng nói rằng các lãnh đạo của Hamas thực sự không muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Gaza.
CNN nhận định, cách đây vài tuần, Tổng thống Donald Trump dường như tự tin rằng sẽ có một thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Gaza, bảo đảm việc thả các con tin người Israel và cho phép dòng viện trợ chảy vào vùng đất đang trải qua nạn đói nghiêm trọng này. Tuy nhiên, có vẻ như giờ đây, sự lạc quan của ông Trump đã tan biến. Sau khi Mỹ và Israel rút các nhà đàm phán của mình khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza vì cho rằng Hamas không hành động một cách thiện chí, ngày 25-7, Tổng thống Donald Trump phát tín hiệu rằng đã đến lúc Israel phải tăng cường chiến dịch quân sự ở Gaza và "loại bỏ" Hamas.
Trong khi đó, Hamas cho biết các bên đã “gần đạt được bước đột phá” trước khi Mỹ rút khỏi bàn đàm phán.
 |
Người dân ở Gaza tập trung nhận lương thực cứu trợ từ một tổ chức từ thiện. Ảnh: CNN
|
Các phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Israel cho thấy triển vọng nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza rất mong manh, thậm chí là đã tan biến, ít nhất trong ngắn hạn. Đáng buồn là điều này diễn ra vào thời điểm cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về nạn đói trầm trọng ở Gaza. Tình trạng thiếu lương thực gia tăng trên khắp dải Gaza khiến hàng nghìn người dân tuyệt vọng phải đi bộ đường dài, thường là vào ban đêm, để tìm kiếm nguồn viện trợ. Theo cơ quan y tế Gaza, kể từ tháng 10-2023 đến nay, tại Gaza đã có hơn 120 người chết vì thiếu lương thực.
Theo hãng tin ABC News, trong tuyên bố chung đưa ra ngày 25-7, Anh, Đức và Pháp đã kêu gọi Chính phủ Israel ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với hàng viện trợ vào dải Gaza, đồng thời cho phép Liên hợp quốc cũng như các tổ chức nhân đạo tiến hành công tác cứu trợ nhằm ngăn chặn nạn đói ở Gaza. "Thảm họa nhân đạo mà chúng ta đang chứng kiến ở Gaza phải chấm dứt ngay lập tức. Những nhu cầu cơ bản nhất của người dân, bao gồm cả việc tiếp cận nước sạch và lương thực, phải được đáp ứng ngay. Việc trì hoãn viện trợ nhân đạo thiết yếu cho người dân là không thể chấp nhận được", lãnh đạo 3 nước nêu rõ trong tuyên bố chung.
Mới đây, hơn 100 nhóm cứu trợ cũng lên tiếng báo động về nạn đói tại Gaza tiết lộ rằng ngay cả những người đang thực hiện công tác cứu trợ ở đây cũng phải chịu đựng tình trạng thiếu lương thực.
Đáp lại, một quan chức an ninh của Israel nói rằng Tel Aviv sẽ cho phép nước ngoài thả hàng viện trợ bằng đường không xuống Gaza trong những ngày tới. Israel cũng phủ nhận việc nước này gây ra nạn đói, đồng thời cho rằng Hamas mới là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu lương thực tại đây.
Sau khi Israel đưa ra quyết định nói trên, Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo nước này đang gấp rút chuyển hàng cứu trợ bằng máy bay đến Gaza và đẩy nhanh việc sơ tán trẻ em khỏi Gaza để được điều trị y tế tại Anh. Mặc dù vậy, các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng việc thả hàng viện trợ bằng đường không vừa tốn kém vừa nguy hiểm, bởi đến nay đã có một số người thiệt mạng do bị hàng viện trợ rơi trúng.
ANH VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.