Hai tiếng nổ bom chát chúa cướp đi sinh mạng 136 người và gần 400 người bị thương trong đám đông đang tụ tập ở thành phố cảng Ca-ra-chi vui mừng chào đón nữ cựu Thủ tướng Pa-ki-xtan B.Bút-tô trở về sau 8 năm sống lưu vong. Âm mưu khủng bố này xảy ra vào đúng ngày vị nữ cựu thủ tướng nhiều tham vọng về nước (18-10) với mục tiêu chính là ám sát bà, báo hiệu một giai đoạn khó khăn sắp tới trong quá trình khôi phục quyền lực của bà Bút-tô ở đất nước nhiều bất ổn Pa-ki-xtan.
Đòn cảnh báo của Al Qaeda hay âm mưu được dàn dựng?
Trước khi bà Bút-tô trở về, các thế lực khủng bố Taliban và Al Qaeda đã đe dọa sẽ ám sát bà. Song, bất chấp lời đe dọa bà vẫn trở về theo đúng lịch trình và còn lên tiếng thách thức nếu làm như vậy chúng “sẽ bị hỏa thiêu dưới địa ngục” theo luật Hồi giáo đối với những kẻ tấn công phụ nữ. Vẫn cứng rắn và can đảm như khi còn làm thủ tướng, bà Bút-tô về nước để tham gia cuộc tổng tuyển cử của Pa-ki-xtan vào tháng 1 tới với tham vọng trở lại chiếc ghế thủ tướng. Bà không nghe theo lời khuyên nên dùng trực thăng để trở về nhà riêng ở Pa-ki-xtan mà đi bằng một chiếc xe tải đã cải tiến thành xe buýt hai tầng để tạo cảm giác gần gũi và dễ dàng vẫy chào đám đông đang hô vang khẩu hiệu chào đón bà. Thậm chí bà Bút-tô còn không cho phép gắn kính chống đạn trên xe.
Âm mưu ám sát nhằm vào bà Bút-tô được xem là vụ đánh bom tự sát có số người chết cao nhất trong lịch sử Pa-ki-xtan. Bộ trưởng Nội vụ nước này khẳng định đây là hành động khủng bố nhằm vào bà Bút-tô. Giới chức an ninh nghi có sự dính líu của Al Qaeda. Tuy nhiên, phu quân của bà Bút-tô, ông A-xíp A-li Da-đa-ri, đã bác bỏ và cáo buộc một cơ quan tình báo Pa-ki-xtan đã dàn dựng kịch bản ám sát này.
Còn theo giới quan sát, khả năng bọn khủng bố đã ra tay là không thể loại bỏ bởi bà Bút-tô chẳng hề e ngại khi khẳng định rõ lập trường kiên quyết không khoan nhượng khủng bố nếu tái đắc cử chức Thủ tướng. Còn nhớ cách đây không lâu, bà từng tuyên bố một cách mạnh mẽ: "Nếu tôi là thủ tướng được bầu thì tôi muốn có một tổng thống mạnh như ông Mu-sa-ráp để cùng nhau giải quyết vấn đề phiến quân, cực đoan và khủng bố". Bà cũng chính là thủ lĩnh đối lập duy nhất ủng hộ cuộc tấn công quân sự chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan trong vụ bắt cóc con tin ở Đền thờ Đỏ hồi tháng 7 làm hàng trăm người thiệt mạng.
Bà Bút-tô thoát chết, song vụ khủng bố đẫm máu phủ bóng đen lên hy vọng việc bà Bút-tô về nước với sự chấp thuận của Tổng thống Pê-vết Mu-sa-ráp sẽ chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài trong thời gian qua tại đất nước này. Trước khi trở về, bà đã được Tổng thống Mu-sa-ráp ký lệnh ân xá tạm thời giúp bà không phải đối mặt với luật pháp vì các cáo buộc tham nhũng. Và điều quan trọng nhất là sau một thời gian thương lượng khó khăn, bà và ông Mu-sa-ráp đã đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực quan trọng để cùng đạt được tham vọng chính trị.
Chia sẻ quyền lực
Với tư cách người đứng đầu đảng Nhân dân Pa-ki-xtan (PPP), mặc dù phải sống lưu vong ở Anh để tránh bị truy tố vì cáo buộc tham nhũng, nhưng sự ủng hộ trong đảng dành cho bà Bút-tô vẫn rất đáng kể, đủ để bà tự tin thực hiện chuyến hồi hương gây chú ý này. Ước tính hơn 200
Bà Bút-tô thoát chết, song vụ khủng bố đẫm máu phủ bóng đen lên hy vọng việc bà Bút-tô về nước với sự chấp thuận của Tổng thống Pê-vết Mu-sa-ráp sẽ chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài trong thời gian qua tại đất nước này. Trước khi trở về, bà đã được Tổng thống Mu-sa-ráp ký lệnh ân xá tạm thời giúp bà không phải đối mặt với luật pháp vì các cáo buộc tham nhũng. Và điều quan trọng nhất là sau một thời gian thương lượng khó khăn, bà và ông Mu-sa-ráp đã đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực quan trọng để cùng đạt được tham vọng chính trị.
|
nghìn người đã tụ tập với cờ hoa rực rỡ chào đón bà, chủ yếu là các thành viên của PPP, không đông bằng con số 1 triệu người như lần hồi hương thứ nhất vào năm 1986.
Chính vì tầm ảnh hưởng của bà Bút-tô nên cuộc hồi hương lần hai của bà được cho là rất quan trọng có thể giúp ổn định tình hình chính trị Pa-ki-xtan. Vì dự tính trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở nước này sẽ không có một chính đảng nào đủ khả năng giành ưu thế tuyệt đối để thắng lợi nên cần thiết phải thành lập các liên minh. Trong đó, liên minh được coi là quan trọng nhất đó là giữa PPP của bà Bút-tô và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pa-ki-xtan ủng hộ Tổng thống Mu-sa-ráp. Thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa hai bên đó là, bà Bút-tô ủng hộ ông Mu-sa-ráp tiếp tục làm tổng thống nhưng với điều kiện ông phải từ bỏ chức Tổng tư lệnh quân đội. Đổi lại, bà muốn được miễn trừ khỏi các cáo buộc tham nhũng, xóa bỏ quy định hạn chế thủ tướng chỉ được nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ và rút lại quyền giải tán chính phủ của tổng thống.
Tuy nhiên, những đòi hỏi của bà Bút-tô không phải dễ thực hiện đối với ông Mu-sa-ráp. Thế nên tham vọng chính trường của bà Bút-tô sẽ còn phải trải qua rất nhiều thử thách. Tòa án vẫn chưa ra phán quyết về tính pháp lý của lệnh ân xá mà ông Mu-sa-ráp ký cho bà Bút-tô, nên trong trường hợp tòa bác lệnh ân xá, bà Bút-tô có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào. Bởi vậy chính phủ Pa-ki-xtan đã khuyến cáo bà Bút-tô nên hoãn về nước cho đến khi tòa án ra phán quyết có lợi cho bà. Ngoài ra, việc điều chỉnh Hiến pháp Pa-ki-xtan để mở đường cho bà Bút-tô trở lại chiếc ghế thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba cũng không phải đơn giản với ông Mu-sa-ráp trong bối cảnh bất đồng sâu sắc với phe đối lập trong chính phủ của ông.
Nhưng cũng không phải là không có thuận lợi cho bà Bút-tô. Liên minh của bà với ông Mu-sa-ráp được phương Tây ủng hộ. Phương Tây hy vọng liên minh này sẽ tạo nên một chính phủ Pa-ki-xtan mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố và quyết đoán trong vấn đề giải quyết tranh chấp Ca-sơ-mia giáp biên giới Ấn Độ.
Vì vậy, bà Bút-tô, 54 tuổi, từng nổi tiếng là nữ thủ tướng đầu tiên trong thế giới Hồi giáo, vẫn có cơ hội trở lại chính trường. Bà đã hai lần được bầu làm thủ tướng Pa-ki-xtan vào giai đoạn 1988-1996 trong các cuộc bầu cử được cho là dân chủ. Cam kết chính trị của bà Bút-tô đó là ủng hộ người nghèo, đem lại dân chủ và ổn định cho đất nước Pa-ki-xtan.
MỸ HẠNH