Ảnh minh họa

Trong một báo cáo được công bố ngày 27-8, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra một phương pháp mới để đánh giá đói nghèo tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Chuẩn nghèo mới, còn được gọi là Chuẩn nghèo châu Á, được ADB xác định là sống dưới mức 1,35USD/ngày.

Tiến sĩ Íp-dan A-li, Trưởng ban Kinh tế của ADB cho biết: “Trong khi chuẩn nghèo 1USD/ngày vẫn đang là một ngưỡng phù hợp để đánh giá đói nghèo cùng cực thì trong một khu vực đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như châu Á – Thái Bình Dương, có thể đã đến lúc đánh giá các tác động đói nghèo bằng một ngưỡng mới phản ánh được sự vận động của khu vực. Các mức độ sức mua tương đương là một trong các yếu tố quan trọng trong việc đánh giá đói nghèo tương ứng theo chuẩn quốc tế”.

Báo cáo của ADB chỉ ra rằng chuẩn nghèo 1USD/ngày của Ngân hàng Thế giới (WB) được dựa trên các sức mua tương đương xây dựng bằng việc so sánh tiêu dùng của hộ gia đình tại các quốc gia khác nhau, được biết đến như là sức mua tương đương tiêu dùng.

Sử dụng các số liệu gốc được thu thập cho nghiên cứu, báo cáo của ADB đã khảo sát nơi mua sắm của người nghèo, họ mua cái gì, bao nhiêu, cũng như chất lượng của hàng hóa mà họ mua sắm. Chẳng hạn như báo cáo ghi nhận rằng chất lượng và giá cả một bao gạo tại siêu thị và gạo mua tại đại lý ngoài chợ - nơi người nghèo thường mua – có sự chênh lệch khá lớn. Các mức giá mà người nghèo trả cho các sản phẩm họ mua được sử dụng để xây dựng một bộ Sức mua tương đương mới, được gọi là Sức mua tương đương đói nghèo.

Sử dụng Sức mua tương đương tiêu dùng, báo cáo ước tính rằng tại 16 quốc gia được nghiên cứu có 1,042 tỷ người sống dưới mức 1,35USD/ngày. Tuy nhiên, nếu sử dụng Sức mua tương đương đói nghèo với tính chất sát thực hơn, ước tính này sẽ giảm xuống chỉ còn 843 triệu người.

QUỐC BẢO