Nhiệt độ tại khu vực phía nam California đã lên tới 46,1 độ C trong ngày 9-9 khiến chính quyền địa phương phải gia hạn cảnh báo nắng nóng cho đến hết ngày 11-9.

Trước đó, nhiệt độ lên cao đã làm bùng phát một đám cháy rừng ở phía nam California vào ngày 7-9, sau đó lan rộng trên diện tích hơn 17.000 mẫu Anh vào rạng sáng 8-9, buộc chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán hơn 50.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

leftcenterrightdel

Lực lượng chức năng khảo sát đánh giá tình trạng cháy rừng tại khu vực phía nam bang California. Ảnh: AP 

Cũng trong ngày 8-9, khu vực từ bờ biển Thái Bình Dương đến vùng núi phía Tây Bắc thành phố Los Angeles, bao gồm cả một số nơi của quận Santa Barbara và quận Ventura, đã được gắn cảnh báo “đặc biệt nguy hiểm”, mức cảnh báo cao nhất của Cơ quan khí tượng quốc gia Mỹ về nguy cơ cháy rừng.

Tính đến đêm ngày 10-9 (theo giờ địa phương), đám cháy đã thiêu rụi một diện tích khoảng 36km2 và đang có nguy cơ cháy lan sang các địa phương lân cận cũng như làm hư hại một số trạm phát sóng trong khu vực khiến liên lạc bị ảnh hưởng.

Cơ quan Kiểm lâm và Phòng chống cháy rừng bang California (Cal Fire) cho biết, 3 nhân viên thuộc cơ quan này đã bị thương và hơn 35.000 công trình có nguy cơ bị thiêu rụi.

Người dân ở bang California hiện được chính quyền khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh các bệnh liên quan đến nhiệt, đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mang thai và những người mắc bệnh mãn tính có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do nhiệt độ cao.

Các chuyên gia cho rằng, tần suất và cường độ cháy rừng ngày càng tăng trong những năm gần đây một phần là do thời tiết ngày càng nóng và khô hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra, chủ yếu là do hiệu ứng nhà kính.

VĂN HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.