Trước đó hai ngày, chính phủ các nước châu Âu đã lưu ý tất cả người dân, đặc biệt là du khách quốc tế, về sự thay đổi giờ này để tránh nhầm lẫn trong giao thông đường sắt và hàng không quốc tế. 

 Việc đổi giờ được cho là ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của người dân châu Âu. (ảnh: Getty)

Theo tờ Le Monde của Pháp, việc đổi giờ tại châu Âu được lựa chọn hằng năm vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Ba (đổi sang giờ mùa Hè) và tháng Mười (sang giờ mùa Đông), vì Chủ nhật thường là ngày ít gây xáo trộn nhất khi hoạt động giao thông ở mức thấp.

Ở Pháp, chính sách đổi giờ được đưa ra vào năm 1976 sau cú sốc dầu hỏa. Theo đó, Pháp điều chỉnh giờ hoạt động của đất nước theo mặt trời mọc. Vào cuối những năm 1980, hầu hết các nước châu Âu đã áp dụng biện pháp này để giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Trong một báo cáo công bố năm 2009, Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường Pháp (ADEME) cho biết, việc đổi giờ từ mùa Hè sang mùa Đông và ngược lại đã giúp nước này tiết kiệm năng lượng khoảng 440 GWh/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mức tiết kiệm này đã giảm, còn 351 GWh/năm, tương đương 0,07% tổng mức tiêu thụ. Dự kiến, mức tiết kiệm năng lượng ở đất nước hình lục lăng sẽ giảm xuống dưới 300 GWh trong năm 2030. Việc giảm tiết kiệm năng lượng từ việc đổi giờ được ADEME giải thích là do hiện nay người dân sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít năng lượng hơn, đặc biệt là với bóng đèn LED.

Kết quả của một cuộc tham vấn được tổ chức vào mùa hè 2018 của Ủy ban châu Âu cho thấy, 84% trong số 4,6 triệu người châu Âu được khảo sát đã phản đối việc đổi giờ do ảnh hưởng tới thói quen cũng như sinh hoạt hằng ngày. Ngày 26-3 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn việc kết thúc đổi giờ từ năm 2021. Do vậy, việc châu Âu chuyển sang giờ mùa Đông lần này chưa phải là lần cuối cùng.

PHƯƠNG LINH