Trước đó, trong một lá thư gửi Hội đồng, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan kêu gọi một cuộc họp “ngay lập tức để lên án rõ ràng Iran về hành vi vi phạm nghiêm trọng này” và yêu cầu HĐBA “coi Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran là một tổ chức khủng bố”.

Ông Gilad Erdan nói thêm: “Đã đến lúc HĐBA phải hành động cụ thể chống lại mối đe dọa từ Iran”, đồng thời bày tỏ “sự phẫn nộ” trước một cuộc tấn công có quy mô “chưa từng có”, thể hiện “sự leo thang nghiêm trọng và nguy hiểm”.

Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về vụ tấn công quy mô lớn từ Iran nhắm vào Israel, đồng thời kêu gọi các bên "lập tức chấm dứt hành động thù địch". Trong tuyên bố, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: "Tôi vô cùng lo ngại về nguy cơ leo thang trên toàn khu vực với mức tàn phá lớn. Tôi kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh hành động dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông. Tôi tái khẳng định khu vực và thế giới sẽ không thể chịu thêm bất kỳ cuộc chiến nào nữa".

leftcenterrightdel

Tên lửa được phóng đi từ Iran vào lãnh thổ Israel ngày 14-4. Ảnh: AFP 

Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden sau cuộc họp của Nội các chiến tranh Israel về vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa quy mô lớn do Iran thực hiện từ lãnh thổ của nước này.

Các nước trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ xung đột Iran- Israel leo thang thành cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi “tất cả các bên thực hiện kiềm chế tối đa và tránh cho khu vực cũng như người dân khỏi nguy cơ chiến tranh”. Trong khi bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về “sự leo thang quân sự” trong khu vực, Saudi Arabia kêu gọi HĐBA LHQ “hãy đảm nhận trách nhiệm của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa" và "liên hệ trực tiếp với tất cả các bên trong cuộc xung đột để cố gắng kiềm chế tình hình", đồng thời cảnh báo trước "nguy cơ xung đột mở rộng trong khu vực".

Italy, nước tiếp giáp Địa Trung Hải và thường chịu tác động từ căng thẳng địa chính trị, làn sóng tị nạn do xung đột ở Trung Đông, bày tỏ quan ngại về diễn biến lần này. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết đang theo dõi sát sao cuộc xung đột "với sự chú tâm và lo lắng". Chính phủ Italy tuyên bố sẵn sàng "đối phó mọi kịch bản".

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết trong một tuyên bố: “Canada lên án dứt khoát” các cuộc không kích này, đồng thời tuyên bố “tình đoàn kết với Israel”.

Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren bày tỏ trên mạng xã hội X "mối lo ngại về sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng ở Trung Đông và các cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel", cho rằng “cái giá phải trả mà hành động này có thể gây ra là hàng nghìn sinh mạng con người”.

leftcenterrightdel
Cuộc họp khẩn cấp của Nội các Chiến tranh Israel ngày 14-4, giờ địa phương. Ảnh: AFP 

AFP dẫn nguồn tin từ Quân đội Israel cho biết, "phần lớn" máy bay không người lái và tên lửa của Iran đã bị hệ thống phòng không "phối hợp với các đồng minh chiến lược của Israel đánh chặn trước khi chúng bay vào lãnh thổ Israel".

Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israsel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết: “Một số tên lửa của Iran đã rơi xuống lãnh thổ Israel, gây thiệt hại nhỏ cho một căn cứ quân sự nhưng không gây thương vong nào”. “Chỉ có một bé gái bị thương và chúng tôi hy vọng bé sớm bình phục”, ông nói thêm. Đứa bé 7 tuổi bị mảnh đạn pháo rơi trúng đầu và hiện đã được đưa đến bệnh viện Soroka ở Beersheva trong tình trạng nghiêm trọng. Ngoài ra, Cơ quan khẩn cấp Israel cũng cứu 31 người có triệu chứng lo lắng hoặc bị thương do tìm nơi trú ẩn.

PHƯƠNG LINH (theo Le Monde)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.