Phát biểu của Tổng thống Obradro trên mạng xã hội X khẳng định chiến tranh là phi lý bởi sẽ không mang lại bất cứ lợi ích gì ngoài khổ đau và chết chóc, không chỉ đối với dân thường mà cả giới tài phiệt hay những nhóm hiếu chiến. 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nam Phi ra tuyên bố bày tỏ “đặc biệt quan ngại” trước những diễn biến ở Trung Đông sau hành động trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

* Trong một diễn biến khác có liên quan, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 14-4 xác nhận ông đã triệu tập Ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU tham dự hội nghị trực tuyến bất thường vào ngày 16-4 để thảo luận về những diễn biến ở Trung Đông và góp phần hạ nhiệt leo thang xung đột trong khu vực.

leftcenterrightdel

Hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel được kích hoạt tại Jerusalem để đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa từ Iran tối 13-4. Ảnh: THX/TTXVN

 

*Chiều 14-4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, Trung Đông đang ở bên bờ vực nguy hiểm. Người dân trong khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột toàn diện và hiện giờ là thời điểm để xuống thang, giảm căng thẳng và kiềm chế tối đa.

Tổng thư ký LHQ cho rằng, vấn đề cấp thiết trong thời điểm hiện nay là tránh mọi hành động có thể dẫn tới đối đầu quân sự quy mô lớn, trên nhiều mặt trận khác nhau ở Trung Đông. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm, nghĩa vụ chung trong tiến trình can dự chủ động với tất cả các bên liên quan để ngăn chặn căng thẳng leo thang.

*Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 14-4 tuyên bố Mỹ không muốn sa vào cuộc chiến với Iran.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “State of the Union” trên kênh truyền hình CNN, khi được hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có ủng hộ chiến dịch đáp trả trực diện của Israel nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran hay không, ông Kirby quả quyết: “Như Tổng thống (Biden) đã nhiều lần tuyên bố, chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến lan rộng hơn trong khu vực. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran”.

* Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian. Trong cuộc điện đàm, ông Lavrov cảnh báo chiều hướng tiếp tục leo thang và “những hành động khiêu khích nguy hiểm mới có nguy cơ làm gia tăng hơn nữa căng thẳng ở Trung Đông”.

Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ: “Ngăn chặn những tình huống như vậy và xóa bỏ căn nguyên chính dẫn tới những tình huống đó phải là vấn đề ưu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”. 

* Trong một động thái liên quan, Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 14-4 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước chiều hướng leo thang quân sự gần đây ở Trung Đông sau cuộc tấn công trực tiếp chưa từng có của Iran vào lãnh thổ Israel đêm 13-4.

* Ngày 14-4, Italy, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), đã tổ chức cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo nhóm này nhằm thảo luận về vụ việc Iran tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Israel.

Các nhà lãnh đạo G7 đã kêu gọi tất cả các bên liên quan giảm căng thẳng và kiềm chế hành động của mình. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh "sự cần thiết phải tránh leo thang hơn nữa, kêu gọi các bên kiềm chế các hành động mà có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực".

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.