Trong bài viết với nhan đề “Cải cách là bí kíp thành công của Trung Quốc”, tác giả Lawrence Lau cho rằng 7 thập kỷ qua là giai đoạn chứng kiến những thành công lớn của Trung Quốc về mặt kinh tế. Theo đó, GDP của Trung Quốc đã tăng gần 300 lần, từ 44,4 tỷ USD vào năm 1949 lên 13,1 nghìn tỷ USD vào năm 2018, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm là 8,1%. GDP bình quân đầu người cũng tăng 115 lần, từ 82USD (năm 1949) lên 9.415USD (năm 2018), với mức tăng trung bình hằng năm là 6,8%.
 |
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thế hai thế giới, sau Mỹ. Kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa vào năm 1978, kinh tế Trung Quốc bắt đầu có sự tăng trưởng vững chắc, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm luôn cao hơn Mỹ và Nhật Bản, ngoại trừ hai năm 1989 và 1990. Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đặc biệt tăng mạnh sau khi nước này trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.
Theo tác giả, với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như vậy, chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc cũng được nâng cao hơn nhiều. Một trong những chỉ số chứng minh điều này là tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc đã cao hơn 2 lần, từ 35 tuổi vào năm 1949 tăng lên 77 tuổi vào năm 2018. Tuổi thọ trung bình của quốc gia đông dân nhất thế giới dự kiến tiếp tục tăng dần nhờ thu nhập bình quân đầu người cao hơn, quá trình đô thị hóa và chất lượng chăm sóc y tế tốt hơn.
Ngoài ra, thành công trong lĩnh vực xóa nghèo-một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Trung Quốc-cũng được coi là thành tựu nổi bật. “Xóa nghèo, cùng với việc bảo vệ và gìn giữ môi trường, vẫn là hai mục tiêu nằm trong kế hoạch quốc gia về phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc”, bài báo nhấn mạnh.
Đáng chú ý, cây bút Lawrence Lau cho rằng, dù hưởng lợi lớn từ quá trình toàn cầu hóa, song Trung Quốc cũng nhận thức được những mặt hạn chế của quá trình này. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những bước đi chủ động nhằm “bù đắp” cho những người bị ảnh hưởng bởi quá trình toàn cầu hóa kinh tế và giúp đỡ “những người bị bỏ lại phía sau”.
“Dù khoảng cách về thu nhập ở Trung Quốc đã gia tăng trong những năm gần đây, nhưng nhờ quá trình cải cách, mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn so với trước đây. Và cải cách cũng là bí kíp dẫn tới thành công của Trung Quốc”, tác giả kết luận.
CHÂU ANH