* Ở Thủ đô Moskva và nhiều thành phố khác trên toàn nước Nga đã diễn ra các hoạt động trang trọng và quy mô kỷ niệm ngày lễ Mùa Xuân và Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Hoạt động kỷ niệm đã thu hút khoảng 3 triệu người tham gia trên toàn nước Nga. Thủ tướng Dmitry Medvedev đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể người dân đất nước.

Từ 10 giờ, gần 130.000 người đã tham gia mít tinh do các công đoàn và các nhà hoạt động xã hội tổ chức tại quảng trường Đỏ, dẫn đầu là Thị trưởng Moskva Sergey Sobianin. Các biểu ngữ tôn vinh lao động và người lao động đỏ rực khu quảng trường rợp trên những hàng người phấn khởi. Trong lời chúc mừng của mình, người đứng đầu Ủy ban Chính sách xã hội của Viện Xã hội Nga Natalia Pochinok ghi nhận công lao của các nhân viên cơ quan xã hội, giáo dục và y tế trong việc xây dựng thủ đô Moskva thành “thành phố ấm cúng nhất, cởi mở nhất, hiếu khách nhất và thành phố tốt nhất trên Trái Đất”.

Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Moskva Mikhail Antontsev cho biết tham gia mít tinh có đại diện đầy đủ các tầng lớp nhân dân lao động, các lĩnh vực lao động, những người chia sẻ một giá trị chung là mong muốn được lao động và sống xứng đáng.

Cuộc tuần hành tại Quảng trường Đỏ (Nga) thu hút hơn 100.000 người. Ảnh: AFP

Trong khi đó, tại thành phố Vladivostok xa xôi, thời tiết lạnh và ẩm ướt cũng không cản trở được 30.000 người lao động tham gia tuần hành. Năm nay, sau hàng chục năm thay đổi, con đường tuần hành được quay trở về tuyến cũ, đi qua khu phố trung tâm Svetlanskaya của thành phố. Tham gia tuần hành gồm có sinh viên, giảng viên các trường đại học ở Vladivostok, đại diện các tổ chức xã hội, nhân công các doanh nghiệp trong thành phố. Dẫn đầu hàng người là Thư ký Liên đoàn Công đoàn Nga Viktor Pinsky.

* Lễ mít tinh kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao động cũng diễn ra tại một số thành phố của Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và một vài nước châu Á. Tại thủ đô Manila (Philippines), khoảng 5.000 người đã tham gia tuần hành.

* Tại Đức, hàng chục nghìn người lao động tham gia tuần hành trên toàn quốc để kêu gọi bảo vệ quyền của người lao động trước làn sóng toàn cầu hóa. Tại Thủ đô Berlin, khoảng 4.000 người diễu hành qua nhiều tuyến phố. Liên minh Công đoàn Đức cho biết có tổng cộng khoảng 340.000 người tham gia vào gần 500 sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động trên toàn nước Đức.

Trong khi đó, tại hơn 70 thành phố tại Tây Ban Nha đã diễn ra các cuộc biểu tình để kêu gọi thúc đẩy bình đẳng giới, tăng lương và hưu trí trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang dần hồi phục. Trong đó, Thủ đô Madrid diễn ra cuộc tuần hành thuộc hàng quy mô nhất, với hàng nghìn người tham gia.

Khoảng 12.000 cũng tập trung trước tòa thị chính ở Thủ đô Vienna (Áo), mang theo biểu ngữ phản đối kế hoạch cắt giảm phúc lợi của Chính phủ mới.

* Ngày 1-5, Chủ tịch đảng Cộng sản Cuba Raul Castro và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đồng chủ trì lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động tại Thủ đô La Habana.

Lễ kỷ niệm được đánh dấu bằng một cuộc diễn hành tại Quảng trường Cách mạng, nơi hàng nghìn người lao động và gia đình đã tập trung từ sáng sớm. Đây là sự kiện do Liên đoàn Người lao động Cuba (CTC) tổ chức với khẩu hiệu "Đoàn kết, Cam kết và Chiến thắng".

Bên cạnh đó, nhiều cuộc diễu hành khác cũng được tổ chức tại nhiều địa điểm trên toàn Cuba trong ngày 1-5. CTC cho biết có khoảng 1.500 đại diện từ 240 công đoàn và phong trào xã hội của 60 nước đã đến tham gia các sự kiện này.

* Trong khi đó, Tổng thống Brazil Michel Temer kêu gọi những người lao động đang tìm kiếm việc làm của nước này "không đánh mất hy vọng" và tin tưởng vào nền kinh tế Brazil đang "tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm cũng như cơ hội mỗi ngày". Tuyên bố của tổng thống nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5 cũng khẳng định chính phủ đương nhiệm đang nỗ lực để cải thiện tình hình.

Theo thống kê chính thức của Brazil, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 4 vừa qua tăng lên mức 13,1%, tương đương 13,7 triệu người dân.

Tại Hàn Quốc, trong tuyên bố chào mừng Ngày Quốc tế Lao động, Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh việc giảm giờ làm việc từ 68 giờ/tuần xuống còn 52 giờ/tuần, đồng thời nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một xã hội tôn trọng người lao động. Ông cũng lấy làm tiếc về việc không thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp vào tháng 6 tới nhằm giúp nâng cao quyền của người lao động. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ nỗ lực cải thiện quyền này thông qua các thay đổi chính sách.

Tổng thống Moon Jae-in chủ trương cải thiện điều kiện phúc lợi cho người lao động Hàn Quốc thông qua các sáng kiến như tăng lương tối thiểu, cắt giảm giờ làm việc và xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động thời vụ có hợp đồng.

Trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã không thể thông qua một điều khoản sửa đổi về việc tổ chức trưng cầu ý dân toàn quốc do mâu thuẫn giữa các đảng chính trị về nhiều vấn đề. Do đó, kế hoạch tổ chức bỏ phiếu về việc sửa đổi Hiến pháp về quyền lao động của Tổng thống Moon Jae-in vào tháng 6 đã phải hủy bỏ.

* Phát biểu tại buổi lễ chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib tuyên bố chính phủ sẽ cấp 3 triệu ringgit (khoảng 760.000 USD) cho Đại hội Công đoàn Malaysia nhằm giúp tổ chức này đẩy mạnh hoạt động chăm lo cho đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, Thủ tướng Najib cũng cam kết nếu liên minh Mặt trận Dân tộc cầm quyền hiện nay tiếp tục lãnh đạo đất nước sau cuộc bầu cử sắp tới (sẽ diễn ra vào ngày 9-5), chính phủ sẽ tăng lương tối thiểu, hiện đang ở mức 1.000 và 920 ringgit, lên “một mức mới”. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ dành nhiều “quà tặng” khác như hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề…cho người lao động. 

* Ngày 1-5, tại Thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra cuộc tuần hành lớn của những người lao động, yêu cầu dành nhiều việc làm cho người lao động trong nước, hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài.

Dòng người tuần hành đến từ các thành phố lân cận như Bandung, Jabodetabek, Serang, Karawang....Những người tham gia đã yêu cầu chính phủ từ chối những lao động phổ thông nước ngoài để dành việc làm cho người lao động trong nước. Họ bày tỏ phản đối Quy chế số 20/2018 của Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa ban hành về việc sử dụng lao động người nước ngoài, đặc biệt là lao động người Trung Quốc vốn chiếm đa số tại đất nước vạn đảo.

Không chỉ riêng tại Jakarta, các cuộc tuần hành của Liên đoàn Công đoàn (KSPI) cũng diễn ra đồng thời tại 25 tỉnh với 200 huyện trên cả nước Indonesia để phản đối lao động phổ thông nước ngoài vào Indonesia.

Đại diện các nhóm tham gia tuần hành cho rằng hiện nay, Indonesia vẫn đang phải lo việc làm cho hơn 7 triệu công nhân thất nghiệp. Trong khi đó, lao động nước ngoài đang được trả lương cao hơn, như vậy là không công bằng và hợp lý. Lao động địa phương được trả lương nhiều nhất là 4 triệu rupiah, trong khi người nước ngoài có thể được nhận tới 10 triệu rupiah/tháng. 

* Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen ngày 1-5 đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động cùng hàng nghìn công nhân nhà máy thuộc Đặc khu Kinh tế Phnom Penh.

Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Sen đã cùng ăn trưa và chụp ảnh với các công nhân. Thủ tướng Hun Sen không đọc diễn văn tại sự kiện, thay vào đó ông trao tặng mỗi công nhân của đặc khu 50.000 riel (khoảng 12,5 USD).

THANH HẢI (tổng hợp)