Trong các tuyên bố chính thức, bốn quốc gia Arab trên đã cáo buộc Thủ tướng Netanyahu tìm cách đánh lạc hướng dư luận và cản trở những nỗ lực hòa giải chung nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Hôm 2-9, Thủ tướng Netanyahu khẳng định Hamas có được nguồn vũ khí thông qua biên giới Ai Cập-Gaza, song không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Nhà lãnh đạo Israel cũng lý giải về sự hiện diện của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi khi cho rằng hành lang này đóng vai trò là tuyến đường cung cấp vũ khí cho Hamas.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng thống Palestine nhấn mạnh biên giới Palestine-Ai Cập là biên giới có chủ quyền, đồng thời phản đối sự hiện diện của bất kỳ lực lượng Israel nào tại Hành lang Philadelphi hoặc cửa khẩu biên giới Rafah phía Gaza. Palestine cũng đánh giá cao các nỗ lực chung của Ai Cập, Qatar và Jordan nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng nhấn mạnh các hành động của Israel là nhằm biện minh cho những vi phạm liên tục của nước này đối với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ mà người dân tại Gaza đang phải hứng chịu. Saudi Arabia kêu gọi các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm cho phép người Palestine thành lập một nhà nước độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Bộ Ngoại giao Qatar cùng ngày tuyên bố cách tiếp cận của Israel sẽ phá vỡ các nỗ lực hòa bình và làm gia tăng bạo lực trong khu vực. Qatar kêu gọi tăng cường các nỗ lực khu vực và quốc tế để buộc Israel chấm dứt các hành động quân sự tại Gaza và giải quyết như giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở dải đất ven Địa Trung Hải này.
Bộ Ngoại giao Jordan cũng lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Ai Cập, đồng thời bác bỏ "cáo buộc vô căn cứ" của ông Netanyahu về Hành lang Philadelphi. Jordan mô tả các cáo buộc do các quan chức Israel đưa ra là làm leo thang thêm tình hình vốn đã căng thẳng trong khu vực.
Trước đó cùng ngày, Ai Cập đã phản đối mạnh mẽ các tuyên bố của Thủ tướng Israel, coi đây như nỗ lực nhằm đánh lạc hướng dư luận và cản trở các nỗ lực hòa giải đang được Ai Cập, Qatar và Mỹ thúc đẩy. Ai Cập đã nhiều lần tuyên bố nước này phản đối bất kỳ sự hiện diện của Israel tại Hành lang Philadelphi trên biên giới Gaza- Ai Cập và khu vực cửa khẩu Rafah phía Palestine.
Trong nhiều tháng qua, Ai Cập, Qatar và Mỹ đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza. Đến nay, cuộc xung đột đã khiến hơn 130.000 người Palestine thiệt mạng và bị thương, trong đó chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng ở Gaza và khiến phần lớn người dân ở đây phải di dời.
Tin, ảnh: TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.