The Guardian cho hay, ngày 7-8, cảnh sát Anh đã tiến hành đợt huy động lớn nhất trong nhiều năm qua, với khoảng 6.000 nhân viên cảnh sát, nhằm đối phó với các cuộc bạo loạn, biểu tình đang gây ra tình trạng hỗn loạn ở đảo quốc sương mù hơn một tuần qua.

Lo ngại bạo lực không được kiểm soát, hàng loạt văn phòng luật sư đóng cửa, cửa hàng trên các tuyến phố chính ngừng kinh doanh, các phòng khám bác sĩ gia đình cũng đóng cửa, trong khi Quốc hội Anh yêu cầu các nghị sĩ cân nhắc làm việc tại nhà. 41 trong 43 khu vực địa phương ở Anh và xứ Wales được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với bạo loạn. Cảnh sát nắm thông tin trong một nhóm chat trên ứng dụng Telegram, các công ty luật di trú và trung tâm tị nạn được liệt vào danh sách mục tiêu tấn công của các nhóm cực hữu.

leftcenterrightdel

Người biểu tình ở Derby (Anh) giơ biểu ngữ chống phân biệt chủng tộc, ủng hộ người di cư. Ảnh: Reuters 

Trong bối cảnh đó, hàng nghìn người dân địa phương và các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc đã xuống đường ở nhiều thành phố như Liverpool, Birmingham, Bristol, Brighton, London... để phản đối nạn phân biệt chủng tộc, bày tỏ ủng hộ người tị nạn. Họ giơ cao biểu ngữ “Chúng ta đều là con người”, "Đoàn kết chống lại sự thù hận". Đụng độ giữa các nhóm biểu tình chống phân biệt chủng tộc với các nhóm cực hữu phản đối người tị nạn cũng đã xảy ra. Đến nay, cảnh sát Anh đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, tấn công nhân viên công vụ, sở hữu vũ khí tấn công.

The Guardian mô tả, tình trạng bạo lực và hỗn loạn đang khiến nước Anh “bị tổn thương ở quy mô chưa từng thấy” kể từ cuộc bạo loạn năm 2011. Biểu tình và đụng độ giữa người cực hữu phản đối nhập cư với cảnh sát nổ ra từ hôm 30-7, một ngày sau vụ 3 bé gái bị sát hại tại một lớp học múa ở Southport. Thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội rằng nghi phạm là một người Hồi giáo mới nhập cư vào Anh được phe cực hữu tận dụng để kích động làn sóng biểu tình. Dù cảnh sát đã công khai danh tính nghi phạm là người sinh ra tại Anh, song bạo loạn vẫn tiếp tục lan rộng.  

Bạo lực tồi tệ nhất trong tuần qua tập trung ở miền Bắc nước Anh. Tại Rotherham, những kẻ bạo loạn đã đốt một khách sạn được sử dụng làm nơi cư trú cho người tị nạn, thời điểm đó, khách sạn có hơn 200 người tị nạn ở bên trong. Tại thành phố Sheffield cách Rotherham vài dặm, người dân nói với CNN rằng họ cảm thấy kinh hoàng trước sự bùng phát của bạo lực, điều họ cho là đã tiếp tay cho hành vi phân biệt chủng tộc. Nhiều nhà thờ Hồi giáo, công sở, địa điểm công cộng, cửa hàng kinh doanh cũng bị đốt phá.

Theo Bộ Nội vụ Anh, làn sóng bài trừ Hồi giáo trong những năm qua đã gia tăng nhanh chóng tại quốc gia này, với số vụ bạo lực liên quan tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2022. Các trường hợp tội phạm thù hận về chủng tộc và tôn giáo ngày càng trở nên phổ biến, trong đó người Hồi giáo bị nhắm tới nhiều nhất. Các chính phủ tiền nhiệm dường như đã không đưa ra những chính sách đủ quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Cùng với đó, làn sóng người di cư bất hợp pháp tiếp tục đổ về tạo ra gánh nặng chi phí và gây áp lực với chính quyền Anh.

Tình trạng bạo loạn hiện nay được coi là bài toán hóc búa đầu tiên mà chính quyền Thủ tướng Anh Keir Starmer phải đối mặt. "Bất kể động cơ là gì, đây không phải là biểu tình mà là bạo lực thuần túy và chúng tôi sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công vào thánh đường Hồi giáo hoặc cộng đồng người Hồi giáo ở nước Anh", Thủ tướng Keir Starmer tuyên bố, không quên nhấn mạnh, những người tham gia biểu tình bạo lực sẽ phải chịu mọi hình phạt nặng theo luật pháp Anh.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.