Theo cơ quan y tế này, kể từ đầu tháng 6 đến nay, bang NSW đã ghi nhận 93 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong khi trước tháng 6 chỉ có một ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại bang có 8,4 triệu dân này trong năm 2024. Trong năm 2022 và 2023, bang xác nhận tổng cộng có 68 ca bệnh.
Giám đốc Cơ quan bảo vệ sức khỏe thuộc Cục Y tế NSW, Jeremy McAnulty, khuyến cáo bất kỳ ai có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, ngay cả những người đã tiêm phòng vaccine, đều nên đi khám bác sĩ.
Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi hoặc sưng hạch bạch huyết và loét miệng hoặc đau trực tràng. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho người khác cho đến khi các vết thương trên da lành hẳn.
Ngày 14-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe để ứng phó với sự bùng phát nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ.
Cục Y tế bang NSW đang đặc biệt cảnh giác trước dịch bệnh này trong bối cảnh khu vực Trung Phi từ đầu năm đến nay đã có hơn 15.000 ca bệnh đậu mùa khỉ, trong đó nhiều ca thuộc chủng virus 1b mới chưa được phát hiện ở Australia.
Tại Pakistan, Sở Y tế tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ngày 16-8 cũng đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus Mpox. Các bệnh nhân được xác định nhiễm virus khi nhập cảnh từ Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và hiện đang được cách ly. Chưa rõ biến thể nào đã được phát hiện ở các bệnh nhân này.
Kể từ khi đợt bùng phát hiện tại bắt đầu vào tháng 1-2023, đã có 27.000 ca bệnh và hơn 1.100 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em, tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì bệnh đậu mùa khỉ, một số nước đã tích cực triển khai cũng như khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh.
Theo Reuters, ngày 15-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ tại Thụy Điển, tức là trường hợp đầu tiên xảy ra bên ngoài châu Phi kể từ dịch bệnh này bùng phát trở lại.