Theo hãng tin Reuters, các quan chức I-rắc xác nhận thông tin họ đang tìm kiếm một chiếc cặp kích cỡ laptop chứa chất phóng xạ Iridium-192 (Ir-192). Lượng chất phóng xạ này được trữ tại miền nam thành phố Ba-xra, I-rắc trong một xưởng thuộc quyền quản lý của công ty dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí Weatherford của Mỹ. Vụ mất cắp xảy ra hồi năm 2015 và Bát-đa đã thông báo với Cơ quan Năng lượng và Nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tháng 11-2015, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích của chiếc cặp, buộc cơ quan này phải lên tiếng cảnh báo. Giới chức I-rắc cho biết, 10g chất phóng xạ Ir-192 được đặt trong một bình chứa hình con nhộng.
Các tài liệu mới được công bố mô tả nguồn phóng xạ Ir-192 bị thất lạc chứa các chất có độ phóng xạ cao và cực kỳ nguy hiểm. Nguồn phóng xạ này thuộc về công ty sản xuất dầu SGS của Mỹ tại I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ. SGS là tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận. IAEA đã xếp chất đồng vị phóng xạ Ir-192 vào loại 2, được sử dụng để kiểm tra những chỗ rò rỉ trong các đường ống dẫn dầu và gas.
Các mỏ dầu tại thành phố Ba-xra, I-rắc. Ảnh: AP
Hiện chính quyền I-rắc đang ráo riết tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc. Quân đội, cảnh sát và cả lực lượng tình báo đang lùng sục để tìm ra chiếc cặp chứa chất phóng xạ. Các nhóm chống phóng xạ đã được triển khai tới các mỏ dầu, các vùng giáp ranh biên giới và các sân phế liệu trong nỗ lực xác định vị trí vật chất bị mất nhưng cho đến nay vẫn trở về tay trắng. Một số nhóm cũng được phái đến các bệnh viện địa phương để tìm kiếm các nạn nhân có dấu hiệu nhiễm độc phóng xạ.
Tuy nhiên, câu chuyện về chất phóng xạ bị đánh cắp có nhiều nghi vấn. Một câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào chiếc cặp chứa nó bị lấy đi trong khi không có dấu vết của phá cửa, bẻ khóa hay sự đột nhập vào nơi cất giữ. Người ta nghi ngờ có "bàn tay trong" trong vụ việc này. "Không có dấu hiệu bẻ khóa, phá cửa hay ép buộc người phải mở cửa", giới chức I-rắc cho biết.
Hiện tại chưa có manh mối nào, cũng như chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguồn phóng xạ này đã rơi vào tay IS nhưng mọi bằng chứng đều chỉ tới một nguồn trong nước. Trong quá khứ, Mỹ, Anh và nhiều nước khác từng bị mất Ir-192 với lo ngại chất phóng xạ này có thể được sử dụng để chế tạo "bom bẩn". Vì thế, giới chức I-rắc lo ngại các nhóm khủng bố có thể sử dụng nguồn phóng xạ này để chế tạo bom bẩn. "Chúng tôi lo sợ nguồn phóng xạ sẽ rơi vào tay IS. Chúng có thể sử dụng các chất phóng xạ để chế tạo bom bẩn", giới chức an ninh I-rắc cho biết. "Bom bẩn” chỉ đơn giản là một thiết bị nổ thông thường được nhồi thêm vật liệu hạt nhân, được thiết kế để mô phỏng hiệu ứng phát tán chất phóng xạ sau một vụ nổ hạt nhân.
Trong khi giới chức I-rắc lo “sốt vó” về sự biến mất bí ẩn của nguồn phóng xạ thì Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17-2 tuyên bố cho rằng, an ninh toàn cầu chưa đến mức bị đe dọa, vì chưa có dấu hiệu cho thấy chiếc cặp đang nằm trong tay IS hoặc lực lượng khủng bố nào, theo Reuters. Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mác Tâu-nơ (Mark Toner) khẳng định: "Chúng tôi đã nhận được thông tin rằng có thể một nguồn phóng xạ đã bị mất hoặc thất lạc ở I-rắc. Nhưng chúng tôi không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy số vật liệu này đã rơi vào tay Daesh (tên gọi theo tiếng Arab của IS) hay bất kỳ tổ chức khủng bố nào khác trong khu vực". Dù vậy, quan chức ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về việc liệu số vật liệu phóng xạ thất lạc này có thể sử dụng để chế tạo một quả "bom bẩn" hay không.
Điều đáng nói là cũng trong ngày 17-2, giới chức an ninh Bỉ cho biết đã tìm ra một ra video chứng minh những kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố tại Pa-ri (Pháp) hồi giữa tháng 11 năm ngoái có âm mưu tiến hành một vụ tấn công hạt nhân tại châu Âu. Điều này càng làm tăng thêm mối lo ngại của I-rắc về việc các phần tử khủng bố sẽ nắm giữ nguồn phóng xạ.
Không chỉ gây ra nguy cơ "bom bẩn", nguồn phóng xạ bị thất lạc được cho là cũng sẽ gây tác hại lớn với cộng đồng nếu không bảo quản đúng cách trong vài ngày. IAEA cho biết, ngoài việc được sử dụng để điều trị ung thư, Ir-192 có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho người ở gần nó từ vài phút đến vài giờ, nghiêm trọng hơn là có thể gây tử vong nếu tiếp xúc trong thời gian vài giờ đến vài ngày. “Sẽ là thảm họa nếu những kẻ khủng bố đặt Ir-192 ở chỗ đông người mà không có lớp bảo vệ. Chắc chắn nó sẽ không gây sự chú ý và hậu quả thì thật là khủng khiếp”, ông Đ.Ôn-brai (David Albright), chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế cảnh báo.
NGỌC HÀ