Trang mạng BOL News ngày 29-12 đưa tin, Ngoại trưởng Abbas Araqchi đưa ra tuyên bố như trên trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo đang chuẩn bị đối phó với khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump-người chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20-1-2025, sẽ tái áp đặt chính sách "gây sức ép tối đa".

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi. Ảnh: Reuters

Hồi năm 2015, sau 13 năm đàm phán, Iran và 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức (còn gọi là nhóm P5+1: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký kết thỏa thuận hạt nhân, hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Việc ký kết JCPOA là một minh chứng cho thấy căng thẳng và đối đầu có thể được hóa giải bằng con đường ngoại giao.

Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump đảm nhận cương vị Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu với việc Washington rút khỏi JCPOA, đồng thời thực hiện chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Tehran bằng “ma trận” các biện pháp trừng phạt. Cũng từ đây, Iran dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Đến đầu năm 2021, sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đưa Washington quay trở lại JCPOA. Kết quả là từ tháng 4-2021, Iran và các bên còn lại tham gia JCPOA đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại Vienna (Áo) trong khi Mỹ tham gia gián tiếp nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Các bên đã không đạt được bước tiến đột phá nào kể từ khi kết thúc vòng đàm phán gần nhất vào tháng 8-2022.

VĨNH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.