1. Xung đột Nga - Ukraine
 |
Xe bọc thép của quân đội Nga tiếp cận thành phố Kherson, Ukraine. Ảnh: TASS |
Ngày 24-2, Nga bất ngờ tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cuộc xung đột này đã làm thay đổi cục diện địa chính trị ở châu Âu, khiến nhiều quốc gia phải điều chỉnh quan hệ của mình và gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dù đã có một số nỗ lực trong những tháng đầu tiên của chiến sự nhằm vãn hồi hòa bình nhưng quan điểm khác biệt của Nga và Ukraine đã khiến cánh cửa đối thoại bị khép lại. Khi nào chiến sự sẽ chấm dứt ở Ukraine là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
2. Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc
 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã |
Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức hồi tháng 10 đã thành công với việc ông Tập Cận Bình lần thứ 3 được bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc khi nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là lãnh đạo thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai, xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt. Bên cạnh đó, đại hội cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế khi vạch ra đường hướng đối ngoại của Trung Quốc trong 5 năm tới.
3. Thế giới mở cửa trở lại sau Covid-19
 |
Hầu hết quốc gia trên thế giới đã mở cửa trở lại để sống chung với Covid-19. Ảnh: The Japan Times |
Ngoại trừ Trung Quốc, tất cả quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2022 khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhiều quốc gia gặp phải thách thức lớn vì nền kinh tế kiệt quệ sau hai năm chống dịch lại phải đối mặt với giá nhiên liệu tăng cao, khủng hoảng lương thực và có nguy cơ rơi vào suy thoái.
4. Ông Abe Shinzo bị ám sát
 |
Nhân viên an ninh bắt nghi phạm Yamagami Tetsuya. Ảnh: TelegraphWorld |
Ngày 8-7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, 67 tuổi, chính trị gia quan trọng hàng đầu Nhật Bản thời hậu chiến, bị ám sát bởi hai phát súng tự chế khi ông đang phát biểu trước một nhà ga ở tỉnh Nara. Đây là cú sốc đối với đất nước mặt trời mọc vì Nhật Bản vốn rất yên bình với đạo luật kiểm soát súng đạn được đánh giá là khắt khe nhất thế giới. Vụ việc đã khiến Chính phủ Nhật Bản phải tăng cường an ninh cho các bộ trưởng và chính trị gia cấp cao.
5. Thảm kịch Itaewon
 |
Hình ảnh tại thảm kịch Itaewon. Ảnh: Straits Times.
|
158 người thiệt mạng và 196 người bị thương đã khiến lễ hội Halloween ở phố Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc trở thành thảm kịch đám đông chết chóc nhất lịch sử của quốc gia này. Thảm kịch xảy ra tối 29-10 khi hàng nghìn người đổ về con hẻm nhỏ và dốc, ngã đè lên nhau và ngạt thở. Hàn Quốc đã lập đội điều tra đặc biệt và bắt nhiều quan chức cảnh sát với cáo buộc tắc trách hoặc hủy hoại bằng chứng liên quan đến vụ giẫm đạp. Tuy nhiên, vụ việc đáng tiếc này không chỉ là bài học lớn đối với Hàn Quốc mà còn đối với nhiều quốc gia khác trong công tác bảo đảm an toàn cho các sự kiện lớn.
6. Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ
 |
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh với những người ủng hộ tại một sự kiện ở Washington D.C. vào tháng 9-2022. Ảnh: AFP |
Ngày 8-11, cử tri Mỹ đã bỏ phiếu bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, 36 thống đốc bang cùng các vị trí lãnh đạo địa phương. Kết quả, Đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện Mỹ với cách biệt mong manh còn Đảng Dân chủ vẫn giữ quyền kiểm soát tại Thượng viện Mỹ. Kết quả bầu cử này cho thấy một nền chính trị bị chia rẽ của Mỹ và sẽ có tác động trực tiếp tới các chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
7. Dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người
 |
Ảnh minh họa: UN |
Dân số thế giới đã chính thức cán mốc 8 tỷ người vào ngày 15-11, đánh dấu những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân nói chung. Thế nhưng, dân số tăng cũng đặt ra nhiều thách thức mang tính toàn cầu như áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo đảm phúc lợi xã hội, phân biệt giàu nghèo, ô nhiễm môi trường... đòi hỏi các quốc gia phải chung tay để vượt qua.
8. NATO mở rộng liên minh
 |
Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tại lễ ký ngày 5-7. Ảnh: Reuters |
30 nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 5-7 đã ký Nghị định thư kết nạp Thụy Điển và Phần Lan. Việc xin gia nhập NATO của hai quốc gia này đã phá vỡ quan điểm trung lập của các nước Bắc Âu, tạo ra thay đổi địa chính trị của khu vực khi cấu trúc an ninh châu Âu được tái định hình.
9. Triều Tiên tuyên bố là quốc gia hạt nhân
 |
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin có hình ảnh do Triều Tiên công bố về một vụ phóng tên lửa của nước này. Ảnh: AP |
Ngày 8-9, Triều Tiên đã chính thức thông qua Luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ. Luật tuyên bố Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cho phép nước này tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các mục tiêu chiến lược của đất nước. Cùng với tuyên bố này, năm 2022 cũng là năm Triều Tiên phóng tên lửa ở mức kỷ lục. CNN thống kê, Triều Tiên đã phóng hơn 90 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chỉ trong vòng 36 ngày, có thời điểm phóng tới 23 quả trong một ngày. Cùng với các cuộc tập trận quy mô lớn và dày đặc của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, những vụ phóng tên lửa các loại của Triều Tiên khiến điểm nóng Đông Bắc Á thu hút sự quan tâm lớn của thế giới.
10. FIFA World Cup đầu tiên ở Trung Đông
 |
FIFA World Cup 2022 được đánh giá là kỳ World Cup hay nhất lịch sử. Ảnh: Sporting News |
FIFA World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar từ ngày 20-11 đến 18-12 được đánh giá là kỳ World Cup hay nhất lịch sử. Đây là lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại một quốc gia Trung Đông và diễn ra vào mùa đông thay vì mùa hè như thường lệ. Nỗ lực trong công tác tổ chức của nước chủ nhà Qatar cùng những màn trình diễn bóng đá đỉnh cao của các ngôi sao trong làng túc cầu đã để lại ấn tượng khó phai cho người hâm mộ môn thể thao vua trên toàn thế giới.
NAM LONG