1. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gay gắt

Cuộc đối đầu cạnh tranh ngôi vị và tầm ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt từ lĩnh vực thương mại tới công nghệ, quân sự... Từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước sang năm thứ hai với nhiều đột biến, giằng co cho đến nguy cơ chiến tranh tiền tệ hiện hữu sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng nhân dân tệ. Căng thẳng giữa hai "ông lớn" tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, tạo nhiều rủi ro cho các thị trường mới nổi.

 

2. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế

Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp hơn với các động thái cứng rắn, sự can dự của các nước lớn và điều chỉnh chính sách, biện pháp của nhiều nước trong khu vực. Ngày 4-7, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Các tàu khảo sát của Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp của một số quốc gia ven Biển Đông khác. Cộng đồng quốc tế đã phê phán các hành động đơn phương của Trung Quốc, làm xói mòn lòng tin, gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

 

3. Làn sóng biểu tình gây bất ổn chính trị và rối loạn xã hội

Các cuộc biểu tình kéo dài tại Hồng Công (Trung Quốc) ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ đã nhanh chóng biến thành các cuộc bạo loạn, đẩy đặc khu hành chính này tới bờ vực khủng hoảng kinh tế-xã hội. Hồng Công-một trung tâm tài chính của châu Á-đang đối mặt với nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng từ biểu tình. Trong khi đó, những thách thức về chính trị, kinh tế và bất bình đẳng xã hội khiến làn sóng biểu tình lan rộng tại các khu vực châu Âu, Trung Đông và Mỹ Latin. Một số quốc gia rơi vào bất ổn.

 

4. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn bấp bênh

Đối thoại Mỹ-Triều được thúc đẩy qua cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội và tiếp xúc ngắn tại Bàn Môn Điếm, song, đàm phán bế tắc và có nguy cơ đổ vỡ, tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng trở lại khi Triều Tiên phóng thử vũ khí lần thứ 13 kể từ đầu năm tới nay. Sau một năm ghi nhận những tín hiệu nồng ấm, mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên đã có dấu hiệu nguội lạnh trở lại trong năm 2019.

 

5. Nga và Mỹ rút khỏi INF

Ngày 2-8, Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh lạnh với Nga. Cùng ngày, Nga cũng thông báo chính thức chấm dứt hiệp ước này. INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 đến 5.500km). Việc Mỹ và Nga rút khỏi INF làm dấy lên nỗi sợ hãi về một cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường toàn cầu.

 

6. Cuộc "ly hôn" dai dẳng của nước Anh với EU

Tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU) vẫn là một bài toán đau đầu đối với xứ sở sương mù. Hôm 20-12, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật thỏa thuận rút lui, mở đường cho Anh rời EU vào ngày 31-1-2020. Theo kế hoạch, sau khi rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp. Nước này chỉ còn là thành viên EU trên danh nghĩa và hai bên sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận về mối quan hệ hậu Brexit.

 

7. Biến đổi khí hậu lên đến đỉnh điểm

Năm nay, lần đầu tiên 11.000 nhà khoa học đến từ hơn 150 quốc gia cùng đưa ra cảnh báo: Trái Đất đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu với rất nhiều kỷ lục đáng buồn được thiết lập. Thế giới trải qua tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm, châu Âu vật lộn với mùa hè nóng nhất trong lịch sử; Australia cũng ghi nhận ngày nóng kỷ lục; vụ cháy rừng Amazon nghiêm trọng tàn phá “lá phổi xanh” của Trái Đất…

 

8. Trung Đông căng thẳng do Mỹ đảo chiều chính sách

Việc Mỹ cáo buộc Iran thực hiện các vụ tấn công tàu chở dầu tại vùng Vịnh và hai cơ sở lọc dầu lớn của Saudi Arabia để áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt Tehran, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, ủng hộ các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây hay tuyên bố rút quân đội khỏi miền Bắc Syria, khiến cục diện Trung Đông trở nên khó lường.

 

9. Kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Ngày 4-11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 35 tại Băng Cốc (Thái Lan), 10 nước thành viên ASEAN cùng 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã hoàn tất đàm phán về RCEP, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, cản trở tiến trình toàn cầu hóa.

10. Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội

Tổng thống Donald Trump trở thành vị tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội, ngay trước thềm bầu cử 2020. Ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với một phiên xử diễn ra vào tháng 1-2020 tại Thượng viện. Nếu 2/3 số thượng nghị sĩ cho rằng tổng thống có tội thì ông sẽ phải rời cương vị hiện thời. Việc xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump cho thấy chính trường Mỹ chia rẽ sâu sắc và phức tạp, tác động đến chính sách đối nội và triển khai đối ngoại của Mỹ.

 

THU TRANG