Hải quân Iran trang bị thêm vũ khí có sức công phá cực mạnh

Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, hải quân nước này vừa được trang bị thêm loại tên lửa hành trình cực kỳ tiên tiến có thể mang đầu đạn có sức công phá cực mạnh và không thể phát hiện được. Khả năng này có được nhờ tên lửa hành trình có các tính năng mới như tránh ra-đa, đầu đạn được thiết kế để gây ra thiệt hại nghiêm trọng và có khả năng đánh chìm tàu khu trục.

leftcenterrightdel

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt đánh chặn rocket phóng từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel, ngày 11-5-2023 (ảnh minh họa). Ảnh: AP 

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện sắp nổ ra ở Trung Đông, sau khi Iran tuyên bố sẽ tấn công Israel để trả thù vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của lực lượng Hamas ngay tại thủ đô Tehran hôm 31-7, động thái này gây lo ngại khả năng Iran đang tăng cường sức mạnh quân sự để chuẩn bị hành động. 

Vũ khí mới được trang bị cho các hạm đội bao gồm nhiều hệ thống tên lửa tầm xa và tầm trung, máy bay trinh sát không người lái và ra-đa hải quân. Tư lệnh hải quân IRGC Alireza Tangsiri cho biết, các hệ thống và thiết bị mới được trang bị có độ chính xác cao hơn trong việc nhắm mục tiêu, với công nghệ trí tuệ nhân tạo được tích hợp vào quá trình phát triển.

Tuy nhiên, hải quân Iran chỉ tiết lộ một phần rất nhỏ trong số hơn 2.500 hệ thống vũ khí mới vì lý do an ninh. Còn theo cơ quan tình báo của Mỹ, quân đội Iran được trang bị kho tên lửa đạn đạo lớn nhất trong khu vực và chính quyền nước này coi những loại vũ khí này là lực lượng răn đe, trả đũa quan trọng chống lại Mỹ và Israel trong trường hợp chiến tranh. Trước đó, nhiều hãng tin cho hay, Iran sở hữu nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa uy lực và nguy hiểm, trong đó có tên lửa siêu vượt âm Fattah-2.

Khó so sánh tiềm lực quân sự Iran với Israel

Việc Iran tăng cường trang bị vũ khí, khí tài cho lực lượng hải quân làm gia tăng lo ngại về những hậu quả thảm khốc nếu xảy ra xung đột giữa Israel và Iran,vì cả hai dẫn đầu khu vực về tiềm lực quân sự. 

Theo báo cáo gần nhất của chuyên trang quân sự Global Firepower (Mỹ), Iran đạt hạng 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu 2024, trong khi Israel đứng thứ 17. DW dẫn nhận định của giới quan sát rằng khó có thể so sánh sức mạnh quân sự của Israel và Iran, vì mỗi bên đều có những thế mạnh riêng. Iran sở hữu nhiều khí tài tiên tiến, nhân lực chất lượng và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn. Trong khi đó, Israel nổi tiếng với năng lực tình báo hàng đầu và nhiều vũ khí tinh vi. 

Cụ thể, nếu xét về mặt quân số, Iran có phần vượt trội hơn khi sở hữu hơn 580.000 binh sĩ thường trực và hơn 200.000 binh sĩ dự bị được huấn luyện tốt. Còn Israel có gần 170.000 quân thường trực và 465.000 quân dự bị. Tuy nhiên, lục quân Israel được cho là không quá lép vế với Iran, bởi họ sở hữu xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava - được coi là dòng xe tăng toàn diện nhất trên thế giới. 

Loại xe tăng uy lực này có lớp giáp dày và sức công phá lớn hơn so với những xe tăng hiện đại của các nước phương Tây như: M1 Abrams (Mỹ), Leopard 2 (Đức) và Challenger 2 (Anh). Tuy không có lợi thế trên bộ nhưng quân đội Israel lại có sức mạnh hơn trên bầu trời. Không quân Israel có số lượng máy bay chiến đấu nhiều hơn Iran, bao gồm nhiều loại tiêm kích hiện đại như F-16 và F-35. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Iran chủ yếu là các dòng tiêm kích như: HESA Saeqeh/Kowsar, Su-24 và MiG-29. 

Cũng theo DW, nếu thực sự xảy ra xung đột trực tiếp, Iran sẽ có ưu thế về khả năng tấn công, trong khi Israel hoàn toàn có thể tự tin về khả năng phòng thủ. Trong nhiều năm qua, Iran đã phát triển nhiều loại tên lửa tầm xa và máy bay không người lái (UAV) có tầm hoạt động hơn 2.000km. Theo chuyên gia Fabian Hinz từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Tehran sở hữu kho tên lửa và UAV lớn nhất Trung Đông, có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Israel.

Nhưng đối với UAV của Iran, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel vốn rất hiệu quả trong đánh chặn các nguy cơ trên không, là “khắc tinh”. Lực lượng phòng vệ Israel từng tuyên bố rằng Vòm Sắt có tỷ lệ đánh chặn các mối hiểm họa trên không lên đến hơn 90%. Đó là chưa kể, quân đội Israel còn nhận được sự hỗ trợ từ hạm đội của Mỹ và phương Tây trong việc ngăn chặn những phương tiện của đối thủ. Điều này đã được chứng minh trong đợt tập kích tên lửa quy mô lớn của Iran hồi tháng 4 vào lãnh thổ Israel để trả đũa vụ Israel ném bom tấn công khu tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Damascus (Syria) khiến 16 người thiệt mạng. 

Việc so sánh sức mạnh quân sự giữa Israel và Iran trở nên khó khăn còn bởi năng lực hạt nhân của mỗi bên vì những thông tin không đầy đủ. Dù chưa bao giờ công bố chính thức nhưng Tel Aviv được cho là sở hữu khoảng 90 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Iran được cho là có sở hữu công nghệ hạt nhân và từng cảnh báo sẽ tự chế tạo vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong bị đe dọa.

Ông John Krzyzaniak, nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho biết, Israel và Iran đã tránh xung đột trực tiếp trong nhiều năm, nhưng nếu một cuộc xung đột như vậy xảy ra, chắc chắn sẽ rất ác liệt. 

XUÂN PHONG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.