Hằng năm, vào những ngày này, anh Pang Qingguo, bán hoa quả tại TP Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) khá tất bật sửa soạn đồ đạc cùng quà Tết cho hành trình vượt gần 1.300km bằng nhiều phương tiện khác nhau để về quê là một thôn nghèo thuộc tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc. Đã một năm xa nhà, anh Pang rất nhớ con gái 7 tuổi cùng vợ và cha mẹ già. Thế nhưng, kế hoạch năm nay của anh Pang lại “đổ bể” bởi “con virus quái ác” SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch Covid-19 có xu hướng diễn biến phức tạp, TP Đường Sơn cũng như nhiều địa phương trên tuyến đường về quê của anh Pang đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại cũng như yêu cầu kiểm dịch, khai báo y tế khắt khe, phức tạp. Thu nhập bấp bênh do dịch bệnh nên anh Pang không đủ khả năng mua vé máy bay mà phải chọn tàu hỏa rồi chuyển sang xe khách. Không còn cách nào khác, người đàn ông này phải lựa chọn phương án ăn Tết ở cửa hàng thay vì trở về nhà. “Tôi đành chúc Tết gia đình qua internet vậy. Hy vọng tình hình sẽ tốt lên để tôi có thể về quê sau Tết”, anh Pang buồn bã chia sẻ.
 |
Ngày 28-1, một khu vực quầy làm thủ tục ở Sân bay Quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải tại TP Thượng Hải, Trung Quốc vắng khách. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, anh Pang không phải là trường hợp cá biệt. Theo New York Times, có tới 300 triệu người lao động xa nhà ở khắp các tỉnh, thành phố của Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như người đàn ông này.
Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á. Giống như ở nhiều nước, người dân Trung Quốc cũng háo hức đón Tết cổ truyền; trong đó, quốc gia đông dân nhất thế giới luôn có một dịp rất đặc biệt: Hành trình “Xuân vận”-khi hàng trăm triệu người về quê ăn Tết sum họp với gia đình. Sự kiện này thường diễn ra trong khoảng 20 ngày trước và 20 ngày sau Tết, cao điểm vào khoảng một tuần trước Tết và một tuần sau Tết. Để về quê, người dân thường chọn các phương tiện, như: Tàu hỏa, máy bay, ô tô, xe máy... 4 thập kỷ qua, hành trình đó đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về làn sóng di dân lớn nhất trong năm ở Trung Quốc cũng như được biết đến là cuộc di chuyển thường niên lớn nhất hành tinh.
Năm nay, “Xuân vận” chính thức bắt đầu từ ngày 28-1 đến ngày 8-3. Tuy nhiên, nguy cơ trước làn sóng lây nhiễm Covid-19 bùng phát trở lại đã “phủ bóng đen” lên không khí hân hoan chuẩn bị đón Tết đoàn viên của người dân Trung Quốc. Mặc dù đã cơ bản khống chế thành công dịch bệnh lây lan nhưng những ngày qua, hãng tin AP của Mỹ dẫn thống kê từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này vẫn có thêm hơn 2.000 ca nhiễm Covid-19, mức cao nhất ghi nhận ở Trung Quốc kể từ tháng 3-2020.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục xuất hiện rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, giới chức y tế Trung Quốc khuyến cáo người dân nên hoãn những chuyến đi “Xuân vận” không cần thiết, hạn chế di chuyển giữa các địa phương và tốt nhất là đón Tết tại chỗ nhằm tránh “kịch bản Vũ Hán thứ hai” có thể xảy ra. Đối với những người vẫn về quê ăn Tết, họ bắt buộc phải thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khi tới nhà ga, sân bay, bến xe, như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay liên tục và giữ khoảng cách an toàn. Nhiều địa phương bắt buộc người vào phải thực hiện 14 ngày cách ly tại nhà và tự trả tiền cho các xét nghiệm Covid-19. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cũng phát các hướng dẫn y tế công cộng và vệ sinh cá nhân.
Tân Hoa xã cho biết, tại nhiều nhà ga, sân bay, bến xe ở các địa phương lớn nước này như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Côn Minh, Quảng Đông, Vân Nam, Chiết Giang... lượng hành khách khá phân tán, các quầy làm thủ tục thưa thớt người. Cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc dự kiến lưu lượng hành khách thực hiện “Xuân vận” năm nay sẽ chỉ còn gần 1,2 tỷ lượt người, giảm 60% so với năm 2019 và giảm 20% so với năm 2020. Tân Hoa xã đánh giá, đây sẽ là kỳ “Xuân vận” vắng vẻ, khác thường nhất từ trước đến nay.
Sau một năm học tập và làm việc vất vả, về quê dịp Tết là nhu cầu chính đáng của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, xét theo tình hình dịch bệnh hiện tại, nhiều người đã có sự cân nhắc để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả cộng đồng. “Các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, khuyến cáo người dân hạn chế về quê ăn Tết từ chính quyền Bắc Kinh đang phát huy hiệu quả”, AP nhấn mạnh.
VĂN HIẾU