Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết tại sao có vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc?
PGS, TS Nguyễn Lan Anh: Sở dĩ có vụ kiện vì Phi-líp-pin và Trung Quốc cùng là thành viên của UNCLOS 1982. Phía Phi-líp-pin cho rằng, vụ kiện mà nước này đang kiện là về những khía cạnh tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982. Chính vì vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 sẽ được áp dụng. Theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước này, các bên sẽ áp dụng phần XV.
Trong phần XV có ba mục. Thứ nhất là các bên giải quyết thông qua một số biện pháp chung, biện pháp hòa bình và trong đó điều quan trọng nhất là phải kiểm tra xem có tồn tại một cơ chế giải quyết tranh chấp khác cơ chế của UNCLOS 1982 dẫn đến những biện pháp bắt buộc hay không. Thứ hai là giữa các bên phải tiến hành trao đổi quan điểm. Ngoài ra, để giải quyết một tranh chấp theo cơ chế này, các bên cũng còn kiểm tra một lần nữa xem vấn đề khởi kiện có nằm trong phạm vi của những ngoại lệ và giới hạn được quy định tại mục 3 của phần XV hay không.
Trong vụ kiện của mình, Phi-líp-pin lập luận rằng, giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc không tồn tại một cơ chế giải quyết tranh chấp nào khác, chính vì thế cơ chế của UNCLOS 1982 sẽ được áp dụng. Phi-líp-pin cũng lập luận rằng họ đã trao đổi quan điểm với Trung Quốc trong vòng 17 năm qua mà không đạt được kết quả, chính vì vậy cho nên mục thứ hai của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 sẽ tiếp tục được áp dụng. Trong mục thứ hai có bốn cơ chế sẽ có thể được các bên lựa chọn, bao gồm có Tòa Công lý quốc tế, Tòa Luật Biển quốc tế, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII và Trọng tài theo Phụ lục VIII. Phi-líp-pin lập luận rằng, cả Phi-líp-pin và Trung Quốc đều chưa đưa ra một lựa chọn nào cả. Chính vì vậy, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII là cơ chế mặc định, có giá trị bắt buộc đối với hai bên.
Liên quan đến mục 3 của phần XV, Phi-líp-pin lập luận rằng, những vấn đề họ khởi kiện chỉ thuần túy liên quan đến một số khía cạnh giải thích và áp dụng UNCLOS 1982, cụ thể là không nằm trong giới hạn mà Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố vào năm 2006. Những vấn đề được khởi kiện không phải là những tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử, danh nghĩa lịch sử, không phải là những tranh chấp liên quan đến phân định biển hay hoạt động sử dụng quân sự, thực thi quyền tài phán hoặc những tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét.
Tóm lại, dựa trên những lập luận như vậy, Phi-líp-pin cho rằng, họ có quyền khởi kiện tại Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng, những lập luận của Phi-líp-pin chưa chính xác. Do đó, Trung Quốc thách thức thẩm quyền của tòa. Chính vì vậy, trong vụ kiện hiện nay, trước tiên, tòa phải xem xét về thẩm quyền của mình, sau đó ngày 12-7 tới, tòa sẽ ra phán quyết cuối cùng để kết luận về nội dung vụ việc.
PGS, TS Nguyễn Lan Anh. Ảnh: Nguyễn Hòa
PV: Là nhà nghiên cứu và quan sát vụ kiện kỹ lưỡng, bà có thể cho biết những nội dung chính mà Phi-líp-pin kiện Trung Quốc?
PGS, TS Nguyễn Lan Anh: Phi-líp-pin đã gửi tổng cộng 15 đệ trình đến Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII để khởi kiện Trung Quốc. 15 đệ trình này có thể tổng hợp lại thành ba nhóm vấn đề lớn. Nhóm vấn đề lớn thứ nhất là Phi-líp-pin khởi kiện đường “lưỡi bò” của Trung Quốc. Nhóm vấn đề lớn thứ hai là Phi-líp-pin khởi kiện về một số quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý tại khu vực Trường Sa và khởi kiện cả quy chế pháp lý của Scarborough. Vấn đề cuối cùng là Phi-líp-pin khởi kiện một số hành vi vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông.
Về vấn đề thứ nhất, Phi-líp-pin nói rằng, đường “lưỡi bò” không thể được Trung Quốc sử dụng để yêu sách quyền lịch sử tại Biển Đông. Phi-líp-pin đồng thời yêu cầu Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII khẳng định, Trung Quốc cũng như Phi-líp-pin, chỉ có thể yêu sách những vùng biển dựa trên các quy định của UNCLOS 1982. Cụ thể đó là các vùng biển như vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa và không thể có vùng biển nào được yêu sách mà không dựa trên các cấu trúc đất liền hoặc đảo.
Về vấn đề thứ hai, Phi-líp-pin liệt kê ra 8 cấu trúc địa lý tại khu vực Trường Sa và Scarborough. Về các quy chế pháp lý, Phi-líp-pin muốn tòa là trả lời hai vấn đề. Thứ nhất là tòa áp dụng các điều khoản của UNCLOS 1982 để phân loại các cấu trúc đó là các bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay là các đảo. Sau khi đã phân loại xong, tòa cần phải trả lời yêu cầu thứ hai của Phi-líp-pin là các cấu trúc đó có thể được hưởng bao nhiêu vùng biển.
Về vấn đề thứ ba, Phi-líp-pin liệt kê một loạt hành vi của Trung Quốc mà Phi-líp-pin cho rằng, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Phi-líp-pin tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Phi-líp-pin cũng cho rằng, Trung Quốc đã thất bại trong việc ngăn cản tàu thuyền cũng như người dân Trung Quốc thực hiện các hành vi vi phạm tại Biển Đông. Trung Quốc còn tiến hành một số những hoạt động như xâm phạm quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Phi-líp-pin tại vùng 12 hải lý của Scarborough. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng trái phép các công trình nhân tạo trên biển, tiến hành các hoạt động đâm va, vi phạm nguyên tắc về an toàn hàng hải, tiến hành những hoạt động vi phạm nghĩa vụ về bảo vệ môi trường.
PV: Vụ kiện này liên quan như thế nào đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, thưa bà?
PGS, TS Nguyễn Lan Anh: Thực ra, Phi-líp-pin đã khéo léo khởi kiện những vấn đề nước này cho rằng chỉ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Phi-líp-pin với Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, vụ kiện cũng có liên hệ mật thiết với lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.
Chẳng hạn như về đường “lưỡi bò”. Đường “lưỡi bò” của Trung Quốc tuyên bố không chỉ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin mà còn chồng lấn cả với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính vì vậy, nếu tòa bác bỏ giá trị pháp lý, khẳng định tính phi lý của đường “lưỡi bò” thì Việt Nam cũng có lợi.
Các hành vi mà Phi-líp-pin khởi kiện cũng khá tương tự như những hành vi mà Trung Quốc thực hiện đối với Việt Nam trong các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, nếu tòa có thể kết luận rằng những hành vi của Trung Quốc là vi phạm thì gián tiếp chúng ta cũng sẽ được hưởng kết luận đó, có cơ sở pháp lý để đấu tranh trong tương lai.
PV: Thưa bà, trong lịch sử luật pháp quốc tế thì đã có vụ kiện nào tương tự như vụ kiện của Phi-líp-pin hay chưa?
PGS, TS Nguyễn Lan Anh: Có thể nói, chưa có vụ kiện nào hoàn toàn giống như vậy cả. Lý do là bởi đường “lưỡi bò” là yêu sách phi lý tương đối hy hữu hiện nay. Các quốc gia trên thế giới cũng như là các học giả trên thế giới đều đánh giá rằng, không có một yêu sách nào mà lại phi lý đến như vậy: Chỉ dựa vào một tấm bản đồ, thậm chí còn không có tọa độ cụ thể, không có cơ sở pháp lý cụ thể. Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc cũng chưa bao giờ tuyên bố một cách chính thức về nội hàm của đường “lưỡi bò” là gì. Từ một yêu sách như vậy lại có thể yêu sách một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, yêu sách cả đến tài nguyên dầu mỏ và khí đốt thì trên thế giới chưa có tiền lệ. Vì thế chưa có một vụ việc nào khác trên thế giới có liên quan đến những khía cạnh pháp lý như Phi-líp-pin đang khởi kiện về đường “lưỡi bò” của Trung Quốc.
PV: Thưa bà, đã có nhiều vụ kiện tại các tòa án quốc tế. Các quốc gia thực hiện các phán quyết của tòa như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Lan Anh: Trong tất cả các vụ kiện cho đến hiện nay, đa phần các quốc gia đều tự giác thực hiện phán quyết của Tòa Công lý quốc tế cũng như của Tòa Trọng tài. Chỉ có hai vụ kiện thường được dẫn trong thời gian gần đây trong mối tương quan so sánh với vụ kiện của Phi-líp-pin. Vụ kiện thứ nhất đó là vụ kiện giữa Ni-ca-ra-goa và Mỹ vào năm 1986. Trong vụ kiện này, Mỹ sau khi có mặt trước tòa để thách thức về thẩm quyền của Tòa Công lý quốc tế đã bị tòa kết luận rằng tòa vẫn có thẩm quyền. Để phản ứng lại kết luận của tòa, Mỹ đã không tham gia vụ kiện. Sau đó, tòa vẫn tiếp tục xét xử và kết luận Mỹ đã có những hành vi vi phạm nguyên tắc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực tại Ni-ca-ra-goa. Mỹ đã tuyên bố không thực hiện phán quyết, không bồi thường cho Ni-ca-ra-goa. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên bố như vậy, đến đời tổng thống tiếp theo thì Mỹ đã cam kết thực hiện phán quyết và đền bù cho Ni-ca-ra-goa.
Một vụ kiện khác giữa Hà Lan và Nga xảy ra trong thời gian mới đây liên quan đến vụ việc Nga bắt giữ một con tàu của Hà Lan. Vụ kiện này được kiện ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII. Nga cũng thách thức bằng việc không tham gia vào tiến trình của vụ kiện và không thực thi phán quyết. Tuy nhiên, sau một vài tháng giữ con tàu của Hà Lan thì Nga cũng đã thả.
PV: Phán quyết sắp tới của tòa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến yêu sách chủ quyền của các bên ở Biển Đông, thưa bà?
PGS, TS Nguyễn Lan Anh: Một trong những yếu tố có thể nhiều người hay nhầm lẫn là vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc là vụ kiện về chủ quyền. Tuy nhiên, không phải như vậy. Bởi vì, vụ kiện ngay từ đầu đã được Phi-líp-pin đặt vấn đề là liên quan đến những khía cạnh về thực thi và giải thích UNCLOS 1982 mà Công ước này không có những điều khoản quy định về chủ quyền.
Chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ, đối với một hòn đảo được quy định tại Luật Thụ đắc lãnh thổ. Để biết được rằng yêu sách của một bên về chủ quyền đúng hay sai, mạnh hay yếu, Tòa Công lý quốc tế và Tòa Trọng tài phải áp dụng Luật Thụ đắc lãnh thổ. Tuy nhiên, việc xét xử chỉ có thể xảy ra nếu như các bên có yêu sách chủ quyền cùng chấp thuận đưa vụ việc đó ra trước tòa.
Tuy nhiên, một khía cạnh nhỏ của vụ kiện có thể ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền là hiện nay Trung Quốc vẫn yêu sách chủ quyền đối với cả cấu trúc không nổi, cấu trúc chìm, chẳng hạn như những bãi cạn, lúc nổi lúc chìm. Đây là yêu sách không phù hợp với luật quốc tế vì luật pháp quốc tế quy định rằng chỉ được phép yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ và các đảo. Chính vì vậy, trong vụ kiện này, Phi-líp-pin yêu cầu tòa phân loại đâu là các cấu trúc lúc nổi lúc chìm, đâu là đảo và yêu cầu tòa khẳng định rằng, không thể yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc lúc nổi, lúc chìm.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS, TS.
BẢO TRUNG - NGUYỄN HÒA (thực hiện)