Cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam Xét-uých Tua-ri-xơn đang tích cực tham gia các hoạt động hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ. Ông đã chia sẻ những cảm nhận hạnh phúc và lạc quan khi được chứng kiến quan hệ Việt-Mỹ thời gian qua ngày càng trở nên tốt đẹp trong một bài viết riêng dành riêng cho Quân đội nhân dân.
Từ năm 1995, chúng ta đã được chứng kiến việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Chỉ trong mấy tháng gần đây, một loạt sự kiện quan trọng đã diễn ra: Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Và tới hôm nay, đã có thông báo về việc tàu Mỹ sẽ được Việt Nam cho phép tìm kiếm hài cốt của lính Mỹ mất tích trong chiến tranh trong lãnh hải Việt Nam.
Tuần trước, để chào đón sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến và nhiều quan chức quan trọng của Mỹ đã nêu bật những thành tựu trong những năm qua và các bước đi tiếp theo trong quan hệ hai nước trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Người ta lại đặt ra câu hỏi mới: Những bước tiếp theo trong quan hệ Việt - Mỹ sẽ là gì? Có phải tất cả mọi điều đã được nói hết và làm hết hay có thêm những yếu tố mới cần phải giải quyết?
Những tiến bộ không ngừng trong vấn đề tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (POW/MIA) là một trong những yếu tố quan trọng. Và như bất kỳ ai đã quen với vấn đề này đều biết, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều kể từ khi các sĩ quan tình báo POW/MIA đầu tiên của Mỹ tới Hà Nội năm 1989 để tăng cường hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước. Từ đó trở đi đã có thêm hàng chục đội tìm kiếm của Mỹ nối tiếp nhau tới Việt Nam. Những người mà tôi đã gặp và nói chuyện thường lại là thế hệ trẻ của ngày nay, những người chưa từng được nghe về chiến tranh ở Việt Nam và đối với họ, cuộc chiến trong thế hệ của tôi chỉ có trong sách lịch sử mà thôi. Họ thấy người Việt Nam rất thân thiện và hợp tác.
Thế còn vài triệu người Việt Nam mất tích trong chiến tranh thì sao? Liệu chúng ta có phải tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ Hội cựu chiến binh Việt Nam cũng như các bảo tàng địa phương tìm hài cốt của chính những người mà chúng ta đã sát hại không? Hay đó đơn thuần chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam? Bà Nguyễn Thị Tiến ngày nào cũng cần mẫn nhặt từng mảnh xương và di vật của các liệt sĩ. Bà và một số nhóm cựu chiến binh khác, như Hội Cựu chiến binh ở huyện Hướng Hóa đi tìm hài cốt trong khu vực Khe Sanh, tự mình cam kết sẽ gắn bó với nhiệm vụ này vì tình yêu Tổ quốc và sự hy sinh của những liệt sĩ, những người mà cha mẹ và con cái của họ không thể tìm thấy một nấm mồ để tưởng niệm. Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng chúng ta nên làm nhiều hơn nữa dù vấn đề này chưa trở thành quan điểm mà nhiều người ghi nhận.
Bộ Cựu chiến binh Mỹ hỗ trợ những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam phơi nhiễm với chất độc da cam. Một số người và tổ chức ở trong và ngoài Việt Nam đã kêu gọi bồi thường cho những người Việt Nam bị phơi nhiễm với loại hóa chất cực độc này. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, rất ít có hy vọng rằng một chương trình như vậy sẽ được thông qua. Tuy nhiên, cũng trong lúc này, một điều rõ ràng là sự hỗ trợ nhân đạo cho những người Việt Nam là yếu tố cần thiết, không cần tính đến họ thuộc về phe nào trong cuộc chiến.
Về góc độ kinh tế, Việt Nam có tiềm năng mạnh như một thùng thuốc súng. Trong một ngày, có rất nhiều người khai trương doanh nghiệp mới, mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp đang tồn tại, liên lạc bằng Internet với những khách hàng tiềm năng, chất hàng lên con-ten-nơ để xuất sang Mỹ hoặc Hàn Quốc. Tóm lại, Đổi mới và quyết định cơ bản của Việt Nam nhằm thay đổi cách làm cũ đã tạo thay đổi lớn, từ một nước nông nghiệp thành một quốc gia hiện đại trong thời gian tới. 25 năm trước, những người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về Việt Nam bằng những con đường bí mật. Số lượng tiền gửi cũng hạn chế bởi Luật kiểm soát tài sản nước ngoài của Mỹ. Ngày nay, số tiền chảy vào Việt Nam là không hạn chế và lượng người Việt Nam ở nước ngoài trở về thăm quê hương cũng không ngừng tăng lên. Cách đây một năm, một người Việt Nam đã nói với tôi rằng, cho dù là ai đi chăng nữa, tất cả chúng tôi đều là người Việt Nam và mối quan hệ ràng buộc giữa những người Việt Nam rất chặt chẽ bởi các thực thể văn hóa. Tôi không có gì nghi ngờ về việc Việt Nam sẽ tiếp tục đổi thay. Chúng ta không thể tiên đoán những thay đổi đó là gì và nó sẽ xảy ra khi nào. Nhưng theo tôi, Việt Nam sẽ làm tất cả chúng ta ngạc nhiên.
Tôi cho rằng, những tiến bộ trong thập kỷ qua thực sự đáng ghi nhận và những gì chúng ta sẽ chứng kiến trong thập kỷ tới chắc chắn sẽ rất ấn tượng. Chúng ta hãy đừng đoán những tiến bộ đó là gì và như thế nào mà hãy góp phần vào sự tiến bộ đó.