Phật tử I-ta-ma Ba-san.

Sự chu đáo của Ban tổ chức Đại lễ Phật đản 2008, sự phát triển nhanh chóng cùng những hương vị riêng của Việt Nam khiến nhiều đại biểu quốc tế nhớ mãi.

Ông I-ta-ma Ba-san, phật tử I-xra-en: Việt Nam gợi cho chúng tôi tầm nhìn

Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, phong cảnh rất đẹp, đặc biệt là Hà Nội. Tôi rất cảm ơn Việt Nam đã gửi lời mời đến chúng tôi. Ở I-xra-en, chúng tôi ít có cơ hội gặp những tăng ni theo đạo Phật, vì thế đây là cơ hội để chúng tôi được gặp các tăng ni đến từ các nền văn hóa, đất nước khác nhau, nhưng mọi người cũng thể hiện, chia sẻ những giá trị chung của đạo Phật. Tôi rất hạnh phúc vì đã gặp được nhiều bạn tốt ở đây.

Khu vực Trung Đông của chúng tôi có rất nhiều vấn đề xảy ra. Việt Nam cũng đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chịu đựng những điều tồi tệ. Nhưng giờ đây Việt Nam đã trở thành một nước thanh bình, phát triển. Người Việt Nam hiện giờ chung sống hòa bình với những kẻ thù trong quá khứ. Điều đó gợi cho chúng tôi tầm nhìn rằng trong tương lai, người dân Trung Đông, hay I-xra-en sẽ chung sống hòa bình như những người bạn. Thông điệp của đức Phật giống như ở Việt Nam hiện nay. Phật giáo đã dạy không thể giải quyết được xung đột bằng bạo lực và nếu theo đuổi sẽ không giải quyết được tình hình. Những thông điệp, đức tin của giáo lý nhà Phật có thể giúp xóa đi những hận thù và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Bà Pê-ra-đích Pơ-xi, phật tử Ô-xtrây-li-a: Đại lễ làm tôi cảm động

Đại lễ làm tôi thật sự cảm động. Khi chứng kiến mọi phật tử ở khắp nơi trên thế giới về đây tề tựu, tôi nghĩ cách tổ chức của Việt Nam quá tốt. Tại Đại lễ, chúng tôi muốn cùng ngồi với nhau tìm ra một giải pháp nào đó giúp giảm thiểu xung đột trên thế giới với những vấn đề khác nhau. Tôi nghĩ Phật giáo là một công cụ có thể kiến tạo sự tĩnh tâm, sự thanh bình trong mỗi bản thân và đó là bước đầu tiên để thiết lập hòa bình trên thế giới

Tôi đã đi thăm nhiều chùa chiền ở Việt Nam và thấy có nét đẹp rất riêng, vừa có vẻ tôn nghiêm nhưng lại rất ấm cúng. Tôi rất ngỡ ngàng trước quy mô của Đại lễ, tôi không nghĩ sự kiện này lại được tổ chức lớn đến vậy. Việc bố trí xe cộ đi lại, ăn uống cho đại biểu hết sức thuận tiện. Các hướng dẫn viên của Việt Nam cũng rất nhiệt tình. Họ hướng dẫn bất cứ lúc nào chúng tôi yêu cầu. Ban Tổ chức cũng rất chu đáo trong việc tạo điều kiện thông tin, hướng dẫn cho đại biểu trong Lễ hội. Với sự chuẩn bị chu đáo này, tôi chắc chắn Đại lễ Phật đản 2008 được tổ chức tại Việt Nam sẽ để lại trong lòng bạn bè thế giới ấn tượng sâu sắc. Giờ thì tôi đang háo hức chờ đến lễ diễu hành xe hoa vào ngày bế mạc đây.

Luật sưRô-ghê-li-ô Mô-ve-nô, phật tử Anh: Nhớ mãi món cơm chay Việt Nam

Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với đất nước này là sự hiếu khách. Có hơi một chút xấu hổ, nhưng quả thật lúc đầu tôi không nghĩ Việt Nam phát triển thế này. Đại lễ được tổ chức thật hoành tráng. Tôi rất vui mừng khi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều Phật tử đến từ nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề tôi quan tâm và muốn chia sẻ tại Đại lễ này là vấn đề về hòa bình thế giới, về môi trường và sự nóng lên của trái đất. Chúng tôi hy vọng, tại đây các Phật tử ở các nước khác nhau sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra giải pháp. Hiện nay, vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết những vấn đề đó còn chưa rõ. Hy vọng qua Đại lễ này, vai trò của Phật giáo sẽ chứng tỏ rõ hơn.

À, còn có một điều sẽ khiến tôi nhớ mãi khi nhắc tới Đại lễ Phật đản tại Việt Nam, đó là món cơm chay. Ngoài hương vị tuyệt vời, nó còn độc đáo ở chỗ tuy là cơm chay nhưng lại nấu theo kiểu tây cho phật tử nước ngoài.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ