Nếu vậy thì châu Âu sẽ trở thành “bãi chiến trường” trong cuộc xung đột này. Nhằm chuẩn bị riêng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra, các công trình sư Liên Xô đã chế tạo ra siêu tăng T-55. Loại xe này sau đó đã trở thành cơn ác mộng thực sự đối với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Có thể tiến nhanh vào eo biển Manche
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Liên Xô có lực lượng lục quân mạnh nhất thế giới. Các nhà hoạch định chiến lược Xô viết luôn trông cậy vào đội quân mặt đất này trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với NATO. Bởi lẽ, lực lượng này được cho là sẽ xuyên thủng hàng phòng ngự của các đơn vị thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương bằng đòn đánh nhanh và tiến vào không gian tác chiến, sau đó nhanh chóng mở rộng vùng kiểm soát. Khi đó, xe tăng đóng vai trò chính, hàng nghìn xe bọc thép có nhiệm vụ bẻ gãy các tuyến phòng thủ kiên cố nhất.
Trọng trách lớn nhất trong những cuộc giao tranh trước khi huy động quân đội của khối các nước xã hội chủ nghĩa là do Nhóm quân sự Liên Xô tại Đức đảm nhận. Theo tính toán của các sĩ quan tham mưu NATO, một nhóm rất lớn gần 2 triệu quân không những có khả năng đẩy lùi đòn đánh đầu tiên, mà còn có thể chuyển sang tấn công và đến ngày thứ năm là tiến đến biên giới Hamburg-Le Havre, tức là đến eo biển Manche, sau khi chiếm được các vùng lãnh thổ phía Tây Bắc của Pháp và Đức, cũng như cả Bỉ và Hà Lan.
 |
Siêu tăng “chiến tranh hạt nhân” T-55 của Liên Xô. Nguồn: russian7.ru |
Với “nhiệm vụ đặc biệt”, Nhóm quân sự Liên Xô tại Đức là đơn vị đầu tiên được cung cấp các loại vũ khí hiện đại nhất. Năm 1958, một trong những lô xe tăng T-55 đầu tiên đã được chuyển đến cho nhóm này. Lô hàng có một loại phương tiện hoàn hảo, thích hợp để chiến đấu trong bối cảnh xảy ra “ngày tận thế hạt nhân”. Khả năng bảo vệ đáng tin cậy cho kíp lái tránh bị nhiễm phóng xạ, cùng với tốc độ cao, hỏa lực mạnh và lớp giáp tốt đã làm cho T-55 thực sự trở thành cơn ác mộng đối với các nhà hoạch định chiến lược của Tây Âu.
Không thể hạ gục
Việc nghiên cứu chế tạo phương tiện mới được Liên Xô bắt đầu triển khai vào năm 1957 tại nhà máy số 183 (nay là Nhà máy toa xe Ural), dựa trên mẫu xe tăng T-54. Các kỹ sư Xô viết đã cho thấy tài năng tuyệt vời của họ, khi chỉ trong một năm đã tạo ra mẫu thử nghiệm hoàn toàn khác so với thế hệ xe tăng trước đó.
Điểm mới cơ bản của chiếc xe là hệ thống bảo vệ chống bức xạ hoàn hảo. Kíp lái 4 người ngồi bên trong xe tăng được đóng kín hoàn toàn, các kỹ sư đã cải tiến những miếng đệm trên cửa sập và khe hở kỹ thuật, tháo một chiếc quạt gió ra khỏi tháp pháo xe tăng.
Ngoài ra, các máy dò được tích hợp trên siêu tăng T-55 có chức năng nhận biết bức xạ nền mạnh. Trong trường hợp các máy dò bị hư mòn, thì hệ thống sẽ tự động ngắt kết nối mạng lưới điện và động cơ của xe. Các hệ thống trên T-55 ghi nhận việc đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân, sau đó xe tăng dừng lại và chờ sóng xung kích đi qua.
Để tăng khả năng bảo vệ cho kíp lái, một máy bơm nén phân tách được lắp bên trong xe tăng. Nó tạo ra áp suất mạnh và ngăn không cho bụi phóng xạ đi qua. Công nghệ này cho phép xe tăng dễ dàng vượt qua những chướng ngại vật nước.
Cỗ máy hoàn hảo
Động cơ siêu tăng T-55 có công suất 580 mã lực (khỏe hơn T-54 60 mã lực), cùng thiết bị nhìn đêm và hệ thống dập lửa tự động Rosa đảm bảo cho quân đội Liên Xô lợi thế trong những trận chiến ác liệt. Cơ số đạn của T-55 gồm 43 quả đạn pháo, hỏa lực được bắn ra từ một khẩu pháo D-10 có nòng rãnh xoắn 100mm. So với T-54, thời hạn bảo hành của siêu tăng này được nâng từ 1.000km lên 2.000km.
Chiếc siêu tăng “chiến tranh hạt nhân” này của Liên Xô có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ chính của nó là M60 (được Mỹ bắt đầu sản xuất từ năm 1960) và Centurion Mk.10 của Anh. Xe tăng Liên Xô có trọng lượng nhẹ hơn, chỉ 38,5 tấn so với 54 tấn của chiếc M60 và gần 52 tấn của chiếc Centurion. Ngoài ra, T-55 còn có kích thước nhỏ gọn hơn (dài 6,2m, rộng 3,27m và cao 2,21m), trong khi M60 của Mỹ có chiều dài gần 7m, còn Centurion của Anh là 8m. Xe tăng Liên Xô còn vượt trội các đối thủ phương Tây về tỷ lệ chiều rộng và chiều cao.
Trong “bộ ba” xe tăng nói trên, thì chiếc T-55 của Liên Xô là chiếc chạy nhanh nhất. Vận tốc tối đa của nó là 50 km/giờ, trong khi xe của Mỹ là 48 km/giờ và xe của Anh là 34,6 km/giờ. Như vậy, với các tính năng của mình thì siêu tăng T-55 là vô cùng thích hợp cho một cuộc đột phá chớp nhoáng vào hệ thống phòng thủ của kẻ địch và đánh chiếm nhiều lãnh thổ của đối phương trong thời gian ngắn nhất.
Giới quân sự phương Tây, đặc biệt là châu Âu, hiểu rất rõ khả năng của siêu tăng T-55, do đó họ không mong muốn nhìn thấy cỗ máy này hoạt động. Người Mỹ nếu có chuyện gì xảy ra thì có thể yên tâm ngồi ở bên kia Đại Tây Dương, nhưng họ vẫn phải quan tâm đến các đồng minh của mình ở “Lục địa già”.
Biệt danh “Xe tăng AK-47”
T-55 trở thành một trong những mẫu xe tăng phổ biến nhất trong lịch sử. Trong 21 năm (từ 1958 đến 1979), có hơn 50.000 chiếc đã được xuất xưởng. Với độ tin cậy cao, dễ sử dụng và tính chiến đấu tốt, siêu tăng T-55 được giới quân sự đặt cho biệt danh là “Xe tăng AK-47”.
Điều ngạc nhiên là, siêu tăng T-55 có thể chiến đấu hiệu quả với cả những phương tiện hiện đại hơn của phương Tây, chẳng hạn như xe tăng M1 Abrams của Mỹ được bắt đầu sản xuất từ năm 1980. Những chiếc T-55 đã hoạt động tốt trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991. Khi đó, lính tăng Mỹ đã phải tránh chiến đấu với những chiếc T-55 của quân đội Iraq và cố gắng để cho lực lượng pháo binh và không quân thực hiện nhiệm vụ này.
QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)