Để giảm thiểu những tác động này, các phi hành gia khi ở trên trạm vũ trụ thường mặc bộ quần áo “Penguin” đặc biệt. Bộ quần áo này giúp làm săn chắc các cơ bắp và tạo ra tải trọng cho hệ thống cơ xương khớp bằng thiết bị chống rung được thiết kế đặc biệt.
Các phi hành gia trong thời gian làm việc trên vũ trụ thường cao lên thêm trung bình khoảng 3-5cm. Điều này gây ra những khó khăn nhất định đối với họ. Vấn đề ở chỗ, để đưa họ trở về Trái Đất, thì trong khoang hạ cánh có lắp chỗ ngồi vừa vặn đến từng milimét cho từng phi hành gia.
Việc không tương thích kích cỡ chỗ ngồi với chiều cao cơ thể có thể đe dọa đến sự an toàn của phi hành gia. Trả lời phỏng vấn Tờ báo “Rossiyskaya Gazeta” của Nga, chính trị gia người Nga Valery Bogomolov kể rằng, kỹ sư hàng không trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS-30 Anatoly Ivanishin có lần đã phải vội vàng loại bỏ chiều cao tăng thêm của mình. Và đây cũng không phải là trường hợp duy nhất.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: new-science.ru |
Trạng thái không trọng lượng cũng ảnh hưởng đến quá trình lão hóa của cơ thể. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí “The FASEB” vào tháng 8-2020 đã chỉ ra rằng, sự già đi nhanh chóng trong điều kiện không trọng lượng không liên quan đến các quá trình diễn ra với hệ thống cơ xương, mà liên quan đến các tế bào nội mô. Các tế bào này lót mặt trong tất cả các mạch máu ở bên trong cơ thể, đồng thời tạo nên một lớp màng ngăn chống đông máu. Tất cả điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tim mạch của con người.
Tổng biên tập Tạp chí “The FASEB” Gerald Weismann cho biết, con người tiến hóa trong điều kiện trọng lực giúp điều chỉnh các quá trình sinh học. Không có trọng lực thì các mô sẽ biến mất và nhanh chóng bị lão hóa.
Môi trường không trọng lượng có ảnh hưởng nguy hại đến tình trạng xương của con người, do xương bị mất canxi và dần dần bị phá vỡ. Một tháng sống trong điều kiện không trọng lượng, khối lượng xương của phi hành gia có thể giảm xuống 1-2%. Điều này xảy ra là do rối loạn quá trình chuyển hóa phốt pho, cũng như do cơ thể không cần hỗ trợ tăng cường và nó gần như ngừng sản sinh chất liệu tạo xương. Đây được gọi là hội chứng loãng xương trong vũ trụ.
Bên cạnh đó, lượng canxi dư thừa trong máu cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của thận. May mắn thay, khi trở về Trái Đất, các phi hành gia phục hồi khối lượng xương trở lại, nhưng ở lâu trong trạng thái không trọng lượng có thể gây ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe của con người. Như vậy, trong thời gian 3 năm du hành lên sao Hỏa, nhà du hành vũ trụ có thể mất đến 50% khối lượng xương, sẽ không thể trở về Trái Đất và phục hồi lại được nữa.
Khi nói đến chứng teo cơ trong vũ trụ, thì cũng nên đề cập đến cả hệ cơ chính của cơ thể, đó là tim. Hơn nữa, cách đây không lâu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiến hành một nghiên cứu cho ra kết quả rất thú vị. Hóa ra, tim không chỉ suy yếu và giảm thể tích đi, mà còn phình tròn ra. Khi tiến hành nghiên cứu, các bác sĩ tim mạch của NASA đã nghiên cứu tim của 12 phi hành gia từng làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế. Phân tích các ảnh chụp cho thấy, trong môi trường không trọng lượng, tim của họ tròn thêm ra 9,4%.
Tuy nhiên, sau khi trở về Trái Đất, trong vòng nửa năm thì tim trở lại hình dạng bình thường và phục hồi cơ chế hoạt động trong điều kiện Trái Đất. Để hình dung sự suy giảm chức năng hoạt động của tim, chỉ cần nằm 1,5 tháng trên giường thì tương đương làm việc một tuần trong điều kiện không trọng lượng trên quỹ đạo.
QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)