Duy trì định hướng đối ngoại mở là một trong những mục tiêu của ASEAN ngay từ thời kỳ đầu thành lập. Định hướng đối ngoại mở được ghi nhận trong các văn kiện cơ bản của ASEAN...
QĐND - Duy trì định hướng đối ngoại mở là một trong những mục tiêu của ASEAN ngay từ thời kỳ đầu thành lập. Định hướng đối ngoại mở được ghi nhận trong các văn kiện cơ bản của ASEAN.
Tuyên bố Băng Cốc năm 1967 quy định “Hiệp hội mở cho tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á tham gia” và “duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ và có lợi với các tổ chức quốc tế có cùng mục tiêu và tìm mọi cách để tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức này”.
Tuyên bố Hòa hợp Ba-li I, phần Hợp tác về thương mại nhấn mạnh: “Các nước thành viên phải tăng cường nỗ lực chung để nguồn nhiên liệu thô và thành phẩm của mình tiếp cận được các thị trường bên ngoài ASEAN thông qua tìm kiếm các biện pháp nhằm xóa bỏ mọi hàng rào thuế quan ở các thị trường này…và đưa ra các biện pháp và hành động chung trong quan hệ với các tổ chức khu vực và các cường quốc kinh tế”.
Nghị định thư năm 1987 sửa đổi Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác cũng quy định Hiệp ước mở cho nước khác ở Đông Nam Á và các nước ngoài Đông Nam Á tham gia.
Trong khi đó, Hiến chương ASEAN ghi nhận mục tiêu “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN với tư cách là động lực thúc đẩy chủ yếu trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một kiến trúc khu vực mở và minh bạch”. Theo đó Hiến chương quy định “ASEAN phải phát triển quan hệ thân thiện và đối thoại vì lợi ích chung, tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác với các nước, các thể chế và các tổ chức tiểu khu vực, khu vực và quốc tế”.
Ngoài ra, Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 42 (tháng 7-2009) “tái khẳng định các cam kết bảo đảm ASEAN tiếp tục là một cộng đồng hướng ngoại thông qua tăng cường can dự và hợp tác với các đối tác bên ngoài”.
ASEAN cần hướng ngoại trong quá trình phát triển vì các tác nhân bên ngoài có ảnh hưởng quyết định tới an ninh và phát triển của ASEAN. Về kinh tế, thị trường xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, kỹ thuật và công nghệ, tri thức phát triển kinh tế-xã hội của các nước ASEAN đều chủ yếu có nguồn gốc từ bên ngoài ASEAN. Về chính trị-an ninh, các nước ASEAN đều có quan hệ truyền thống và chịu ảnh hưởng của nhiều nước lớn bên ngoài khu vực, một số đối tác có vai trò và ảnh hưởng quyết định đối với an ninh khu vực. Mong muốn chung của ASEAN là tiếp tục duy trì các mối quan hệ truyền thống đó một các cân bằng, qua đó duy trì hòa bình, ổn định chung phục vụ mục tiêu tăng cường, phát triển và duy trì ổn định chính trị trong khu vực. Để đạt mục tiêu đó, ASEAN cần chủ động và tích cực thúc đẩy quan hệ với các đối tác bên ngoài khu vực, đó là lý do tại sao ASEAN cần “hướng ngoại”.
ANH VŨ