QĐND - Va-ti-căng là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới. Nằm trong lòng thành phố Rô-ma (I-ta-li-a), quốc gia này ẩn chứa nhiều bí ẩn.

Đất nước “tỷ dân”

Về mặt cơ học, Va-ti-căng chỉ có diện tích vỏn vẹn 0,44km2 và dân số khoảng 1000 người. Tuy nhỏ bé, nhưng Va-ti-căng thật sự là một vương quốc giàu có về nhiều mặt và đầy quyền năng. Va-ti-căng được xem như trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo La Mã (gọi tắt là công giáo), nên tất cả những tín đồ công giáo toàn thế giới đều là “con dân” về mặt tinh thần của quốc gia nhỏ bé này.

Toàn cảnh Va-ti-căng. Ảnh: telegraph.co.uk

Giáo hoàng là người đứng đầu nhà nước Va-ti-căng, đồng thời là Tổng Giám mục địa phận Rô-ma. Giáo hoàng hiện nay là Ngài Phran-xít (Francis), người Ác-hen-ti-na, nhậm chức tháng 3-2013. Theo cơ quan thông tấn Zenit của Va-ti-căng, dựa trên những thống kê từ năm 2000 - 2008, công giáo có khoảng 1,16 tỷ tín đồ khắp thế giới. Cũng theo thống kê này, tính đến năm 2008, công giáo có tổng cộng 5.002 giám mục trên thế giới. Mỗi giám mục phụ trách một giáo phận, góp phần tạo nên một tổ chức lâu đời và được xem là lớn nhất thế giới.

Va-ti-căng có đủ tất cả các cơ quan mà một nhà nước thông thường có như sở cứu hỏa, sở cảnh sát, nhà máy điện, bưu điện, siêu thị, nhà ga, nhà xuất bản, bệnh viện... Quốc gia bé nhất thế giới này cũng có đài phát thanh với tần sóng thuộc dạng cực mạnh truyền đi khắp thế giới và có kênh truyền hình vệ tinh riêng phát bằng 30 thứ tiếng.

Gần 100 quốc gia đã có Đại sứ ở Va-ti-căng. Do Va-ti-căng quá nhỏ, nên nhiều tòa Đại sứ nước ngoài phải đặt trên phần đất thuộc thủ đô Rô-ma. Cả I-ta-li-a cũng đặt tòa Đại sứ trên lãnh thổ của... chính mình.

Tiềm lực kinh tế Va-ti-căng

Dù diện tích và dân số khiêm tốn nhưng Va-ti-căng thu hút sự quan tâm dày đặc của dư luận thế giới. Cuộc bầu cử tìm đức Giáo hoàng mới vào tháng ba năm ngoái đã được truyền thông quốc tế theo dõi và đưa tin chẳng khác gì cuộc… bầu cử tổng thống Mỹ mà không cần mượn đến bàn tay nhà văn Đan Brao (Dan Brown) và tài tử nổi tiếng Tôm Hen (Tom Hanks). Để duy trì được "quyền lực mềm" của mình, Tòa thánh Va-ti-căng cần phải bảo đảm nguồn cung về tài chính.

Không thể tính toán được giá trị tài sản của Va-ti-căng. Sự thật là ngay cả Tòa thánh Va-ti-căng cũng không thể tự mình trả lời câu hỏi này. Những khoản đầu tư và chi tiêu của Va-ti-căng đều được giữ bí mật. Tài sản thật sự, các công trình và tác phẩm nghệ thuật của Va-ti-căng cũng không được định giá vì tòa thánh sẽ không bao giờ bán chúng (và có lẽ chẳng bao giờ phải rao bán). Tuy nhiên, chắc chắn rằng đằng sau các khoản đầu tư, kho dự trữ vàng, bất động sản và những bộ sưu tập nghệ thuật vô giá trên khắp thế giới, Va-ti-căng có một nền kinh tế rất mạnh.

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Va-ti-căng

Việt Nam - Va-ti-căng thiết lập cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp từ năm 2007. Cuộc họp vòng 5 Nhóm công tác hỗn hợp đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 11-9 mới đây, trong đó, phía Va-ti-căng khẳng định Tòa thánh coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, thể hiện ở các chuyến thăm châu Á của Giáo hoàng tới châu lục này trong thời gian qua và trong tương lai.

Quan hệ Việt Nam - Va-ti-căng được duy trì tích cực. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Giáo hoàng nhân các chuyến thăm tới I-ta-li-a.

Trong bài viết đăng trên trang http://www.rp.pl/ mới đây, tác giả Ra-phan Tô-man-xki (Rafal Tomanski) cũng đề cập đến quan hệ ngoại giao Việt Nam - Va-ti-căng. Theo tác giả, trong nhiều năm qua, Va-ti-căng đã theo dõi rất sát sự tiến bộ của Việt Nam về việc bảo đảm quyền con người. Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập giáo phận đầu tiên tại Việt Nam, Đức giáo hoàng đã bổ nhiệm đại diện riêng của Tòa thánh cho các tín đồ công giáo tại Việt Nam; điều này thể hiện sự ghi nhận các kết quả tiến bộ đạt được của Hà Nội.

Như tin đã đưa, trước thềm chuyến thăm Va-ti-căng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tòa thánh Va-ti-căng đã ra thông báo, Giáo hoàng Phran-xít sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào ngày hôm nay (18-10). Phát ngôn viên của Tòa thánh Va-ti-căng, Ph. Lom-bác-đi (Federico Lombardi), cho biết cuộc gặp sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh. Theo ông Lom-bác-đi, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần này cùng với 5 cuộc gặp song phương trong những năm gần đây, sẽ đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Va-ti-căng.

Thành quốc Va-ti-căng là một lãnh thổ có chủ quyền được thành lập theo Hiệp ước Laterano vào năm 1929 và là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, nằm lọt trong thủ đô Rô-ma của I-ta-li-a. Được xem là trung tâm của Giáo hội Công giáo La Mã, Va-ti-căng nằm dưới sự điều hành của một cơ quan trung ương gọi là Giáo triều La Mã, với sự ủy quyền của Giáo hoàng. Tất cả quan chức cao cấp của nhà nước đều là giáo chức của Giáo hội Công giáo La Mã. Giáo triều gồm Phủ Quốc vụ khanh, 9 Thánh bộ, 3 tòa án, 11 hội đồng và 3 văn phòng hoạt động tương tự cơ chế lập pháp, tư pháp, hành pháp. Va-ti-căng sử dụng đồng ơ-rô với hệ thống tài chính riêng nhưng công tác quốc phòng do I-ta-li-a đảm nhiệm. Ngôn ngữ chính ở Va-ti-căng là tiếng La-tinh, ngoài ra còn sử dụng tiếng I-ta-li-a và một số ngôn ngữ khác.

NGỌC HÀ