Theo Global Times, trong tháng 4, Bắc Kinh chào đón nhiều nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước như: Tổng thống Suriname Chandrikapersad Santokhi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn... Các chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đang được các bên lên kế hoạch và dự kiến sớm diễn ra.

Tất cả đều cho thấy, chính sách ngoại giao của Trung Quốc dựa trên chủ nghĩa đa phương, cởi mở và hợp tác đã và đang mang lại nhiều lợi thế cho quốc gia này. Trong số nguyên thủ quốc gia và quan chức cấp cao thăm chính thức Trung Quốc, có cả nước láng giềng hữu nghị truyền thống, những “đối thủ cạnh tranh”, cũng như các nước mới nổi và đang phát triển mà Bắc Kinh có mối quan hệ vừa là cạnh tranh vừa là hợp tác trong chuỗi sản xuất công nghiệp. 

leftcenterrightdel

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) thăm nhà máy sản xuất động cơ hydro của hãng Bosch ở Trùng Khánh (Trung Quốc), ngày 14-4. Ảnh: IC 

Dĩ nhiên là mỗi chuyến công du đều có mục đích riêng. Một số đến để học hỏi kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, một số tìm cách tăng cường hợp tác song phương, trong khi những người khác muốn Bắc Kinh chia sẻ các giải pháp liên quan đến những vấn đề toàn cầu. Tựu trung lại, theo Tân Hoa xã, tất cả tạo nên hình ảnh một đất nước Trung Quốc năng động, cởi mở và hợp tác.

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, ưu thế nổi bật nhất của ngoại giao Trung Quốc thời điểm này là gia tăng hoạt động đối ngoại cấp cao cùng những sáng kiến độc lập trong việc thúc đẩy hòa bình, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán để giải quyết những vấn đề nóng trên toàn cầu. Trước cuộc khủng hoảng ở khu vực Trung Đông, xung đột Nga-Ukraine, cũng như đối với nhiều xung đột địa chính trị khác, Trung Quốc luôn giữ vững lập trường độc lập, kiên định và rõ ràng. 

Cũng theo giới phân tích, việc cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen và Ngoại trưởng Nga Lavrov cùng có mặt ở Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Trung-Nga vững chắc đang tiến triển song song với quan hệ Trung-Mỹ và quan hệ Trung-EU, vốn là sự cân bằng khó giành được từ góc độ địa chính trị.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Moscow. Tuy nhiên, thương mại Trung-Nga đã đạt kỷ lục 240,1 tỷ USD vào năm 2023, với xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 46,9% và nhập khẩu từ Nga tăng 13%. Kinh tế Nga cũng đạt mức tăng trưởng bất ngờ 3,6% vào năm 2023, bất chấp hàng nghìn lệnh cấm vận bủa vây. Global Times đánh giá, nếu không có thương mại với Trung Quốc thì hẳn Moscow còn gặp nhiều khó khăn hơn. Đối với Bắc Kinh, việc Moscow là một đối tác thân thiện và kiên định giúp định hình bối cảnh ngoại giao của Trung Quốc theo một cách rất khác.

Có ý kiến nhận xét rằng, Trung Quốc sẽ tốt hơn nếu đối tác thương mại của Bắc Kinh là Washington, thay vì Moscow. Tuy nhiên, sau khi Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của nước này, con đường tái xác lập quan hệ đối tác với Washington được Bắc Kinh coi là “khó tiếp cận”. “Trung Quốc chỉ có thể làm dịu quan hệ với Mỹ chứ không thể biến Mỹ thành đối tác như với Nga. Trên thực tế, mối quan hệ đối tác thân thiện Trung-Nga chính xác là một trong những yếu tố khiến Mỹ phải dè dặt với Trung Quốc”, Global Times nhận định.

Về phía mình, Moscow mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh và không phản đối Trung Quốc phát triển quan hệ với Mỹ và phương Tây. Nga có thể hưởng lợi gián tiếp từ sức mạnh kinh tế và công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc. Hiện, các sản phẩm điện tử công nghệ cao và thiết bị tối tân mà Nga có nhu cầu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và EU đã thích ứng với chính sách độc lập của Trung Quốc đối với Nga và không còn khả năng gây áp lực lớn hơn đối với thương mại Trung-Nga. Nói tóm lại, Trung Quốc đang ở vị thế rất thuận lợi để xây dựng mối quan hệ bền chặt với Nga, đồng thời duy trì hiệu quả mối quan hệ của nước này với Mỹ và EU.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.