Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh đã sẵn sàng khởi động Sáng kiến hỗ trợ công nghiệp hóa châu Phi, nhằm mục đích giúp châu lục này phát triển sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa và đa dạng hóa nền kinh tế. Cụ thể, thông qua 9 chương trình thuộc Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi, Sáng kiến vành đai và con đường và Sáng kiến phát triển toàn cầu (GDI), Trung Quốc sẽ dành nhiều hơn các nguồn hỗ trợ, đầu tư và tài chính cho các chương trình công nghiệp hóa, khởi động kế hoạch hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp châu Phi, giúp các nước trong châu lục mở rộng diện tích trồng ngũ cốc và khuyến khích các công ty Trung Quốc tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở châu Phi. Nhờ đó, châu Phi có thể đạt được khả năng tự cung tự cấp lương thực, phát triển bền vững, độc lập, thúc đẩy sản xuất lương thực, tăng cường khả năng bảo đảm an ninh lương thực và đạt được mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Đối thoại các nhà lãnh đạo Trung Quốc-châu Phi tại Johannesburg (Nam Phi), ngày 24-8. Ảnh: Tân Hoa xã 

Cũng theo Chủ tịch Trung Quốc, nước này sẽ tổ chức Diễn đàn hợp tác nông nghiệp Trung Quốc-châu Phi lần thứ hai tại Hải Nam vào tháng 11 tới, đồng thời cam kết hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho một số nước trong khu vực nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.

Song song với đó, Trung Quốc dự kiến triển khai kế hoạch hợp tác với châu Phi về phát triển nhân tài. Mỗi năm, Bắc Kinh sẽ đào tạo 500 hiệu trưởng, giáo viên có trình độ cao cho các trường cao đẳng dạy nghề, đào tạo nghề và dạy tiếng Trung cho 10.000 nhân viên kỹ thuật của châu lục.   

Nhắc lại chính sách châu Phi của Trung Quốc từ năm 2013 với các nguyên tắc chân thành, hiệu quả, hữu nghị và thiện chí, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định 10 năm qua, Bắc Kinh vẫn tuân thủ các nguyên tắc này, rằng Trung Quốc đã trở thành người bạn tin cậy của châu Phi. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã tích cực hỗ trợ phát triển cho châu Phi trong nhiều lĩnh vực, giúp xây dựng hơn 6.000km đường sắt, hơn 6.000km đường cao tốc và hơn 80 cơ sở năng lượng lớn trên lục địa.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Trung Quốc và châu Phi cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tạo ra một môi trường lành mạnh nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển, thúc đẩy trật tự quốc tế, công bằng và bình đẳng, thực hành chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa bá quyền dưới mọi hình thức. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với châu Phi một cách toàn diện và bền vững, ủng hộ giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề nóng trong khu vực và quốc tế, đồng thời bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng tới, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy nỗ lực đưa Liên minh châu Phi trở thành thành viên đầy đủ của G20, đồng thời cho biết Bắc Kinh ủng hộ việc thực hiện các thỏa thuận đặc biệt về cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm đáp ứng nguyện vọng của châu Phi là giành được một ghế thành viên thường trực trong tổ chức quốc tế này.

Về phía mình, các nước châu Phi đánh giá cao việc Trung Quốc đề xuất Sáng kiến phát triển toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương, đồng thời tin tưởng sự phát triển trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi sẽ đóng góp cho nền hòa bình và sự phát triển trên thế giới. Hai bên tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.