Ở thành phố Kyoto, phía Tây Nhật Bản, nằm xen lẫn trong các khu công nghiệp và trung tâm nghiên cứu là một tòa nhà chuyên trồng rau diếp. Đây chính là “nhà máy” trồng rau thủy canh và phát triển nhờ ánh sáng nhân tạo của công ty Spread-đơn vị chuyên cung cấp rau diếp cho thành phố Kyoto.

Tại “nhà máy” này, mọi hoạt động từ trồng, thu hoạch và phân phối sản phẩm đều diễn ra trong căn phòng rộng, sạch sẽ, có những kệ lớn. Các thiết bị dưới sự điều khiển từ xa của nhân viên sẽ vận chuyển cây trồng từ nơi này sang nơi khác tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây. Ở bất kỳ chỗ nào, cây cũng được đảm bảo sinh trưởng trong điều kiện có đủ độ sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Đặc biệt, nhà máy không sử dụng thuốc trừ sâu. “Ban đầu rau diếp rất khó bán. Để thu hút khách hàng, chúng tôi phải tạo ra hình ảnh thương hiệu tốt. Do vậy, nhà máy đã trồng cùng một loại rau có chất lượng như nhau và bán với một mức giá trong suốt cả năm”, ông Shinji Inada, Giám đốc công ty Spread cho biết.

 Những kệ rau diếp được trồng trong “nhà máy” ở Kyoto. Ảnh: Lepoint.fr

Hiện nay, tại “nhà máy” trồng rau ở Kyoto, công ty Spread đang có 11 triệu cây rau diếp và hằng ngày bán ra thị trường khoảng 30.000 cây. Dù số lượng công việc lớn nhưng Spread chỉ sử dụng vẻn vẹn có 25 nhân công. Hiện nay, sản phẩm rau sạch của công ty được bán rộng rãi trong các siêu thị ở Kyoto và có thể bảo quản trong thời gian dài. Spread dự kiến sẽ mở thêm nhà máy trồng rau nữa tại Narita ở tỉnh Chiba, gần thủ đô Tokyo.

Theo ông Inada, do thiếu hụt lao động, diện tích nông nghiệp bị thu hẹp và cho lợi nhuận thấp, do vậy ông đã quyết định xây dựng hệ thống sản xuất mới. “Việc sử dụng ánh sáng nhân tạo như đèn điện để thúc đẩy cây phát triển sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng hơn là trồng ngoài trời, nhưng bù lại cho năng suất cao hơn trên một diện tích như nhau, đồng thời tiết kiệm nước hơn. Cụ thể, trồng rau trong nhà bằng ánh sáng nhân tạo sẽ cho năng suất cao gấp 8 lần so với việc trồng rau truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi có thể trồng rau ở một nơi rất nóng hoặc rất lạnh, không phù hợp cho việc trồng rau diếp”, ông Inada chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh, mô hình này cũng có thể áp dụng với việc trồng dâu tây, cà chua và một số cây nông nghiệp khác.

Nhật Bản là một trong những nước đi tiên phong trong việc phát triển các nhà máy sản trồng rau bằng ánh sáng nhân tạo. Nhiều tập đoàn lớn như Panasonic, Toshiba, TDK hay Fujitsu đã tham gia vào chiến lược trên, như cung cấp dây chuyền sản xuất, thiết kế ánh sáng, cảm biến cho “nhà máy”…. Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 200 “nhà máy” trồng rau diếp bằng ánh sáng nhân tạo. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 400 “nhà máy” vào năm 2025.

PHƯƠNG LINH (theo actu.orange.fr)