Reuters ngày 1-7 cho biết với đa số thẩm phán ủng hộ, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ hạn chế quyền của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) trong việc kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nhà máy điện than và nhà máy điện khí tại nước này. Phán quyết cũng nêu rõ các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải CO2 trong tương lai cần phải được áp đặt với các nhà máy điện than cụ thể, thay vì yêu cầu tất cả nhà máy phải chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo. “Việc giảm lượng khí thải CO2 ở một mức độ nào đó-vốn nhằm tạo ra sự chuyển đổi trên phạm vi toàn quốc hướng đến ngừng sản xuất điện bằng than đá-có thể là một giải pháp hợp lý cho “cuộc khủng hoảng của thời đại”. Tuy nhiên, quốc hội không trao cho EPA quyền tự đặt ra các quy định như thế. Một quyết định với phạm vi và hệ lụy lớn như vậy phụ thuộc vào quốc hội hoặc một cơ quan được quốc hội trao quyền rõ ràng”, NBC News dẫn phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ.

Một nhà máy điện than tại bang Florida của Mỹ. Ảnh: Reuters 

Phản ứng về phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, Tổng thống Joe Biden gọi đây là “một quyết định tai hại khiến đất nước thụt lùi”. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, đã chỉ đạo đội ngũ pháp lý phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan bị ảnh hưởng “xem xét lại phán quyết một cách kỹ lưỡng và nỗ lực tìm các cách thức hợp pháp theo luật liên bang nhằm tiếp tục bảo vệ người dân Mỹ khỏi tình trạng ô nhiễm nguy hại”. “Trong khi quyết định này có nguy cơ gây tổn hại đến khả năng của đất nước trong việc giữ không khí trong sạch và chống BĐKH, tôi sẽ không nhượng bộ sử dụng các quyền hợp pháp của mình để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”, Reuters dẫn lời Tổng thống Joe Biden.

Một phát ngôn viên của EPA cho biết, cơ quan này đang xem xét phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, đồng thời “cam kết sử dụng toàn bộ quyền lực hiện có để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường”. Chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho rằng, phán quyết “sẽ gây ra thêm nhiều cái chết không cần thiết” vì “ô nhiễm nhiều hơn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu, khiến không khí và nước của chúng ta trở nên kém sạch, kém an toàn hơn”. Theo ông Schumer, phán quyết của Tòa án Tối cao “đặt mạng sống của người dân Mỹ vào tình thế nguy hiểm”. Là một trong số 3 thành viên của Tòa án Tối cao Mỹ không ủng hộ phán quyết, nữ thẩm phán Elena Kagan cho rằng, phán quyết tước đoạt quyền mà quốc hội trao cho EPA để ứng phó với “thách thức môi trường cấp bách nhất của thời đại chúng ta”.

Tương tự với phản ứng của dư luận Mỹ, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho rằng, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ “là một bước thụt lùi trong cuộc chiến chống BĐKH của chúng ta”. Ông Dujarric nhấn mạnh, những quyết định như thế này tại bất cứ nền kinh tế lớn nào cũng khiến thế giới khó đạt được các mục tiêu mà Hiệp định Paris về BĐKH ký năm 2015 đề ra nhằm kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhất là trong bối cảnh các nước cần đẩy nhanh tiến trình loại bỏ việc sử dụng than đá và chuyển sang năng lượng sạch. “Chúng ta cũng cần nhớ rằng, một tình trạng khẩn cấp toàn cầu như BĐKH đòi hỏi một phản ứng toàn cầu. Hành động của một quốc gia đơn lẻ không thể ngăn cản các mục tiêu về khí hậu của chúng ta”, ông Dujarric nêu rõ.

Mỹ hiện là quốc gia có lượng khí phát thải CO2 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. EPA cho biết, 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu cũng như tại Mỹ là xuất phát từ việc sản xuất điện và 20% điện năng tại Mỹ được sản xuất từ than đá. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện đặt mục tiêu cắt giảm 50-52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005 vào năm 2030 với hy vọng thúc đẩy các nước phát thải lớn khác đẩy mạnh hành động chống BĐKH.

HOÀNG VŨ