Ông Murali là một trong số ngày càng nhiều nông dân ở Ấn Độ đã áp dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp canh tác hiệu quả hơn. “Ứng dụng là thứ đầu tiên tôi kiểm tra ngay khi thức dậy. Đó là một thói quen”, ông Murali cho biết.

Một người nông dân phun thuốc trừ sâu tại cánh đồng cải ở bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: PTI 

Theo ông, hệ thống AI do công ty khởi nghiệp công nghệ Fasal phát triển cung cấp thông tin chi tiết về thời điểm và lượng nước, phân bón và thuốc trừ sâu cần thiết, qua đó giúp giảm chi phí mà không làm giảm năng suất.

Ông Ananda Verma, người sáng lập công ty Fasal, nơi phục vụ khoảng 12.000 nông dân, cho biết: “Những gì chúng tôi tạo ra là một công nghệ cho phép cây trồng giao tiếp với người nông dân”.

Sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 15% nền kinh tế Ấn Độ. Trong bối cảnh tình trạng thiếu nước và thời tiết ngày càng thất thường gây tác động đáng kể đến hoạt động trồng trọt, các trang trại đang rất cần đầu tư và hiện đại hóa cũng như sử dụng các ứng dụng AI để canh tác hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong khi công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ, thì việc tiếp nhận của nông dân lại chậm trễ vì nhiều người không đủ khả năng chi trả. Ví dụ như chi phí lắp đặt các sản phẩm của Fasal dao động từ 57-287USD. Đây là mức giá cao ở một quốc gia mà thu nhập trung bình hằng tháng của nông dân là 117USD.

Nhà kinh tế nông nghiệp RS Deshpande, Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Thay đổi xã hội và kinh tế Bengaluru, nhận định Chính phủ Ấn Độ cần đưa ra các gói hỗ trợ nông dân để giúp họ giảm gánh nặng chi phí khi sử dụng các giải pháp công nghệ.

NGỌC ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.