Ngày 10-8, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã cáo buộc U-crai-na đang "lựa chọn khủng bố thay vì hòa bình", và Ki-ép đang "chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm", sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã đập tan hàng loạt âm mưu tấn công vũ trang được cho của Ki-ép nhằm vào khu vực Crưm. Phát biểu tại Mát-xcơ-va, Tổng thống Nga cho hay thông tin từ FSB cho thấy nhà chức trách U-crai-na đang cố gắng kích động bạo lực và xung đột tại Crưm và điều này vô cùng “đáng lo ngại”. Theo ông Pu-tin, hành động của U-crai-na là một tội ác và điều này tác động tiêu cực đến việc tổ chức các cuộc đối thoại đã được lên kế hoạch về tiến trình hòa bình tại phía Đông U-crai-na.
Binh sĩ U-crai-na tại khu vực sát biên giới với Nga. Ảnh: Roi-tơ
Tổng thống Pu-tin nhấn mạnh: “Tất nhiên với những điều kiện này thì sẽ là vô ích khi tiếp tục cuộc gặp theo khuôn khổ Normandy tại Trung Quốc. Bởi vì dường như những người đang nắm quyền lực tại Ki-ép thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp hay giải pháp hòa bình, lại tiếp cận theo cách của bọn khủng bố”. Ngoài ra, ông Pu-tin khẳng định sẽ làm mọi việc để bảo đảm an ninh cho cơ sở hạ tầng, người dân nước Nga và sẽ triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh bổ sung.
Trước đó, Cơ quan An ninh liên bang Nga tuyên bố đập tan “các vụ tấn công khủng bố” tại Crưm do lực lượng tình báo quân đội U-crai-na tiến hành, đồng thời phanh phui một mạng lưới gián điệp ở bán đảo này hôm 8-8. Theo thông báo của FSB, một sĩ quan của họ đã thiệt mạng khi truy bắt "những kẻ khủng bố" trong hai đêm 6 và 7-8. Ngoài ra, một quân nhân Nga cũng thiệt mạng khi đấu súng với nhóm "khủng bố" do Bộ Quốc phòng U-crai-na cử đến trong ngày 8-8. Một báo cáo từ FSB cho biết một số công dân Nga và U-crai-na đã bị bắt giữ cùng lượng lớn chất nổ và vũ khí chuyên biệt thường được lực lượng đặc biệt của U-crai-na sử dụng.
Cơ quan này cáo buộc đặc nhiệm U-crai-na đã lên kế hoạch cho những vụ tấn công nhằm vào những cơ sở hạ tầng quan trọng. Mục đích của hành động phá hoại và khủng bố này là nhằm gây bất ổn tình hình chính trị và xã hội trước cuộc bầu cử ở Nga vào tháng tới, FSB cho hay. Hiện an ninh đã được tăng cường tại những khu vực có đông khách du lịch, các cơ sở hạ tầng quan trọng và dọc biên giới Crưm.
Những thông tin từ phía FSB hiện vẫn chưa được xác minh một cách độc lập, nhưng một số nhân chứng cho biết quân đội Nga đã tăng cường các hoạt động tuần tra ở phía bắc bán đảo Crưm, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với U-crai-na. Nhiều người khẳng định họ nghe thấy tiếng súng nổ trong khu vực, nhưng không biết đó có phải là các cuộc đụng độ giữa quân đội Nga với các đơn vị đặc biệt của U-crai-na hay không. Một nguồn tin bí mật nói với hãng tin Rosbalt rằng, một cuộc đụng độ trên biên giới vào đêm ngày 7-8 đã xảy ra, khi FSB cố gắng chặn đứng các cuộc xâm nhập vào bán đảo Crưm của lực lượng từ U-crai-na.
Trong khi đó, chính quyền Ki-ép cùng ngày đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Trong một tuyên bố, Tổng thống U-crai-na P.Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) nói rằng, cáo buộc của Nga là "vô lý và thiếu cân nhắc". Nhà lãnh đạo U-crai-na cũng một lần nữa cáo buộc có sự hiện diện quân sự của Nga tại Đôn-bát, miền Đông U-crai-na, bất chấp Nga luôn bác bỏ điều này. Bộ Ngoại giao U-crai-na cũng ra tuyên bố cho rằng những cáo buộc của Nga là vô căn cứ và gọi đây là "sự khiêu khích" của Mát-xcơ-va. Bộ Quốc phòng U-crai-na thì cho rằng tuyên bố của FSB không gì khác hơn ngoài nỗ lực để “củng cố cho các hành động tái triển khai quân đội của Nga tại Crưm”.
Crưm là nước cộng hòa tự trị thuộc U-crai-na, tuy nhiên, đến năm 2014, bán đảo này đã được sáp nhập vào Nga. Trong khi U-crai-na vẫn luôn muốn lấy lại bán đảo chiến lược này, thì Mát-xcơ-va đã tuyên bố, vấn đề này đã được giải quyết và sẽ không bao giờ nhắc lại nữa. Kể từ đó đến nay, quan hệ Nga – U-crai-na luôn ở trong tình trạng căng thẳng liên quan đến những tranh cãi về vấn đề Crưm. Nếu cáo buộc của FSB được xác thực, đây sẽ là diễn biến leo thang căng thẳng nhất kể từ sau khi Crưm ly khai khỏi U-crai-na và sáp nhập về Nga.
Ngày 10-8, Đại diện thường trực của U-crai-na tại LHQ Vla-đi-mia I-en-tren-cô (Volodymyr Yelchenko) cho biết, Ki-ép có thể đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập một cuộc họp khẩn liên quan tới cáo buộc của Nga nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Ông I-en-tren-cô cũng để ngỏ khả năng U-crai-na sẽ một lần nữa đề nghị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Đôn-bát.
NGỌC HÀ