Đạo luật GENIUS thiết lập khuôn khổ pháp lý đối với các loại tiền điện tử được neo giá trị theo đồng USD-gọi là stablecoin, là cột mốc quan trọng có thể mở đường cho việc đưa tài sản kỹ thuật số trở thành phương thức thanh toán thông dụng hằng ngày. Trước khi được ban hành thành đạo luật, dự luật GENIUS đã được Thượng viện phê chuẩn và được Hạ viện thông qua với số phiếu áp đảo 308 phiếu thuận và 122 phiếu chống, với sự ủng hộ của gần 1/2 số thành viên Đảng Dân chủ và đa số thành viên Đảng Cộng hòa.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật GENIUS tại Nhà Trắng, ngày 18-7. Ảnh: Reuters

Reuters nhận định, đạo luật GENIUS là một chiến thắng lớn cho những người ủng hộ tiền điện tử, khi lần đầu tiên một nền tảng pháp lý được tạo ra góp phần hợp pháp hóa và đưa tiền điện tử tiến gần hơn với dòng tài sản truyền thống. Phát biểu trong buổi lễ ký ban hành Đạo luật GENIUS tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: "Tôi đã cam kết rằng chúng ta sẽ mang lại tự do và quyền lãnh đạo cho người Mỹ và biến Mỹ thành trung tâm tiền điện tử của thế giới và đó là những gì chúng ta đã làm được". Cùng với đó, 2 dự luật khác liên quan tới việc xác lập khung pháp lý tổng thể cho tài sản số và cấm phát hành đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng đã được Hạ viện thông qua trong tuần này.

AP cho hay, đạo luật GENIUS có thể giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào ngành công nghiệp tiền điện tử, vốn đã nhanh chóng trở thành một thế lực lớn ở Washington nhờ các khoản đóng góp khổng lồ cho chiến dịch tranh cử và các khoản chi tiêu cho vận động hành lang. Theo dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Mỹ, ngành công nghiệp tiền điện tử đã quyên góp hơn 245 triệu USD trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái để hỗ trợ các ứng cử viên có quan điểm ủng hộ tiền điện tử, trong đó có ông Donald Trump.

Cần phải nói thêm, chỉ trong vài năm qua, từ một người ban đầu hoài nghi về tiền điện tử, ông Donald Trump đã nhanh chóng thay đổi quan điểm và tới nay còn tự nhận mình là “vị tổng tư lệnh thân thiện với tiền điện tử nhất trong lịch sử nước Mỹ”, gọi đây là "một ngành công nghiệp rất mạnh mẽ" mà Mỹ đang thống trị, theo ABC News.

Đáng lưu ý, một điều khoản trong đạo luật GENIUS mới ban hành nêu rõ việc cấm các thành viên Quốc hội Mỹ và gia đình họ kiếm lợi nhuận từ stablecoin. Tuy nhiên, lệnh cấm đó không áp dụng cho Tổng thống và gia đình Tổng thống, cho dù trên thực tế, ông Donald Trump “đang xây dựng một đế chế tiền điện tử từ Nhà Trắng”, ABC News bật mí. Theo đó, gia đình ông Donald Trump “nắm giữ đáng kể” số lượng cổ phần trong World Liberty Financial, một công ty tiền điện tử đã ra mắt stablecoin của riêng mình vào đầu năm nay và nhận được sự hỗ trợ ban đầu từ một quỹ đầu tư của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Bất chấp những lo ngại trái chiều từ những người phản đối, đạo luật GENIUS được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng phát triển mới cho các loại tiền điện tử, trong bối cảnh nhiều ngân hàng và các hãng bán lẻ đang tìm hiểu các cơ hội về stablecoin, trong đó có những tên tuổi như Amazon, Walmart... Làn sóng cạnh tranh mới có thể làm đảo lộn hệ thống thanh toán truyền thống, đặc biệt nếu các thương gia tìm cách sử dụng stablecoin như một cách để vượt qua các mạng lưới thẻ thanh toán thông thường như Visa và Mastercard, ABC News nhận định. Còn hiện tại, đạo luật GENIUS giúp củng cố sự lạc quan của thị trường vào một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cùng với dòng vốn đầu tư từ các tổ chức tăng cao dường như đang góp phần mở ra “một thời kỳ hoàng kim” của tiền điện tử. Theo Công ty môi giới Bernstein, Bitcoin mới đây đã lập kỷ lục khi vượt mốc 120.000USD và được dự báo có thể tăng lên 200.000USD vào cuối năm nay; Ether-đồng tiền điện tử lớn thứ hai-đã tăng 4,5% trong phiên giao dịch gần nhất, tăng hơn gấp đôi giá trị chỉ trong 3 tháng.

Theo dữ liệu của CoinGecko, công cụ tổng hợp dữ liệu tiền điện tử độc lập lớn nhất thế giới, giá trị thị trường của lĩnh vực tiền điện tử vừa cán mốc 4 nghìn tỷ USD, đánh dấu sự chuyển dịch của lĩnh vực này từ một loại tài sản mang tính đầu cơ bên lề trở thành một phần trung tâm trong hệ thống đầu tư toàn cầu.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.