Tân Hoa xã đưa tin, cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu tại Budapest (Hungary) ngày 8-11 đã nhất trí ra Tuyên bố Budapest về thỏa thuận cạnh tranh châu Âu mới. Một trong những ưu tiên hàng đầu được các nhà lãnh đạo EU nhất trí là bảo đảm một thị trường chung hoạt động đầy đủ, phát huy hết tiềm năng của thị trường như một động lực chính cho đổi mới, đầu tư, hội tụ, tăng trưởng, kết nối và khả năng phục hồi kinh tế.
 |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại họp báo. Ảnh: The European Conservative
|
Theo đó, các nước cam kết thực hiện “đơn giản hóa” nhằm giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Đến giữa năm 2025, EU có kế hoạch giảm ít nhất 25% nghĩa vụ báo cáo, thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các quan chức EU nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng. Cùng lúc, các quốc gia EU cũng đề cập tới việc cần thiết phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để giảm giá năng lượng, đồng thời lập chính sách công nghiệp toàn diện với cam kết phân bổ 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2030.
“Dù có nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản, song EU chưa thể xóa bỏ khoảng cách giữa biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm và mở rộng quy mô”, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ tại họp báo sau hội nghị.
Mặt khác, tuyên bố còn nhấn mạnh việc tiến hành các giải pháp hướng tới Liên minh tiết kiệm và đầu tư (SIU) vào năm 2026 cũng như ủng hộ thực hiện đầy đủ sáng kiến Liên minh thị trường vốn (CMU). Thực chất, SIU là giải pháp để huy động nguồn tài chính tư cho các ưu tiên của EU.
Theo Eunews, mặc dù khối có dân số 450 triệu người và một số nền kinh tế hàng đầu thế giới như Đức và Pháp, song khoảng 1/3 trong 35.000 tỷ euro tiết kiệm ở EU chưa được sử dụng. Trong khi đó, sáng kiến CMU sẽ liên kết các thị trường đầu tư tài chính hiện có trên khắp EU, cho phép dòng vốn đi xuyên biên giới thuận lợi như nội địa. Politico cho biết, thị trường vốn phân mảnh do quy định của các nước khiến doanh nghiệp EU tốn kém hơn để huy động vốn. Hiện, khoảng 300 tỷ euro tiền tiết kiệm của người châu Âu được đầu tư ra nước ngoài mỗi năm, chủ yếu là Mỹ.
Ngoài ra, các quốc gia EU cũng đề xuất thành lập một cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu, phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm củng cố năng lực và quyền tự chủ quốc phòng của khối. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là trụ cột cơ bản và EU cần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu độc lập. Vào đầu năm nay, Ủy ban châu Âu từng đề xuất gói công nghiệp quốc phòng trị giá 1,5 tỷ euro, trong đó vạch ra mục tiêu như hỗ trợ tăng cường năng lực sản xuất của các công ty vũ khí châu Âu, mua chung ít nhất 40% thiết bị quốc phòng và nâng giá trị thương mại quốc phòng nội khối lên ít nhất 35% vào cuối thập kỷ này.
Như vậy, quyết định cùng nhau chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh của các nước thành viên EU đã đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra trước hội nghị lần này. Trong thư mời gửi lãnh đạo các nước, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nêu lên quan ngại rằng EU đang đứng trước nguy cơ không thể cạnh tranh được với nhiều nền kinh tế lớn khác nếu không có các biện pháp kịp thời. Thống kê cho thấy, trong suốt 20 năm qua, tỷ trọng GDP của EU trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm đi một nửa. Đây là một tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng, buộc khối phải có hành động khẩn cấp để đảo ngược xu hướng này.
THÁI BÌNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.