CNN đưa tin, ngày 17-3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đón và hội đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto tại thủ đô Ankara. Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Erdogan bày tỏ hy vọng nước này sẽ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được tổ chức vào ngày 14-5 tới. Trong khi đó, với Thụy Điển, quy trình này sẽ liên quan trực tiếp đến kết quả các bước cụ thể mà Stockholm thực hiện. “Phần Lan đã có những hành động thực chất và chắc chắn trong việc thực thi các cam kết trước đó”, CNN dẫn lời ông Erdogan nêu rõ.
 |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto tại buổi họp báo chung ngày 17-3. Ảnh: Getty Images |
Với tuyên bố trên, đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan giờ đây sẽ được chuyển đến Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ-nơi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Erdogan đang chiếm thế đa số-để được thông qua. Về phần mình, Tổng thống Phần Lan hoan nghênh động thái trên từ chính quyền Ankara, đồng thời cho biết điều này rất quan trọng đối với Helsinki.
Cùng ngày, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hoan nghênh thông báo của Tổng thống Erdogan rằng quốc hội nước này sẽ bắt đầu khởi động tiến trình phê duyệt đơn gia nhập NATO của Phần Lan, đồng thời khuyến khích Ankara nhanh chóng làm điều tương tự với Thụy Điển. Chính quyền Washington đánh giá Thụy Điển và Phần Lan đều là những đối tác mạnh mẽ, có khả năng chia sẻ các giá trị của NATO và sẽ củng cố liên minh cũng như đóng góp cho an ninh châu Âu; đồng thời bày tỏ tin tưởng cả hai nước này sẽ trở thành thành viên của NATO sớm nhất có thể.
Trong khi đó, cũng trong ngày 17-3, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom khẳng định nước này vẫn tự tin sẽ trở thành thành viên NATO, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn đơn gia nhập liên minh quân sự này của Phần Lan chứ không phải của Thụy Điển. “Vấn đề là khi nào Thụy Điển trở thành thành viên của NATO chứ không phải liệu có gia nhập hay không”, AP trích phát biểu của Ngoại trưởng Billstrom.
Như vậy, quyết định của Tổng thống Erdogan được đưa ra sau gần một năm kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, qua đó từ bỏ chính sách không liên kết kéo dài hàng thập kỷ của hai nước này. Tuy nhiên, tiến trình đó không hề bằng phẳng. Theo quy định, bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập NATO đều cần sự ủng hộ của tất cả thành viên hiện tại. Đến nay, đã có 28 trên tổng số 30 quốc gia thành viên NATO chấp nhận để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập tổ chức này. Hai nước thành viên chưa nhất trí việc kết nạp là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, trong đó phía Ankara được coi là trở ngại lớn hơn. Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 6-2022 cũng ký một thỏa thuận nhằm giải quyết những bất đồng trong quá trình gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu.
Thụy Điển lâu nay bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là không đủ cứng rắn trước các hoạt động của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và một số nhóm vũ trang khác mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Ngoài ra, vụ một nhân vật cực hữu có hành động đốt bản sao Kinh Koran trong cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm vào tháng 1 vừa qua được cho là càng khiến Ankara “lạnh nhạt” với nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
KHÁNH NGÂN