Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái đã mở ra cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vai trò tại Syria, lấp đầy khoảng trống do sự suy giảm ảnh hưởng của Iran và Nga, theo The New Arab. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chính trị và an ninh quan trọng nhất đối với Syria. Ankara không chỉ góp sức trong quá trình tái thiết đất nước mà còn hỗ trợ tăng cường năng lực cho quân đội Syria.
Sau gần 14 năm xung đột đẫm máu, Syria đang đối mặt với nhiệm vụ lớn: Tái thiết một quân đội thống nhất từ "đống đổ nát" của nội chiến. Tuy nhiên, con đường phía trước đầy chông gai, từ việc hòa hợp các nhóm vũ trang đối lập đến khắc phục cơ sở hạ tầng quân sự tan hoang, cùng áp lực từ các thế lực nước ngoài và lệnh trừng phạt kinh tế. Theo ước tính, không quân Syria chỉ còn dưới 20 máy bay có thể hoạt động, phần lớn đã lỗi thời. Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời Syria Murhaf Abu Qasra thừa nhận quốc gia này có nhu cầu cấp thiết về vũ khí mới, đặc biệt trong lĩnh vực phòng không và hải quân. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt quốc tế khiến Damascus gặp khó trong việc huy động tài chính.
 |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên phải) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed Al-Sharaa (bên trái) trong cuộc họp báo chung tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4-2-2025. Ảnh: Breaking Defense |
Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một trong những thế lực có ảnh hưởng nhất ở Syria. Ankara ủng hộ chính quyền mới ở Syria trong nỗ lực tái thiết, cam kết cung cấp mọi hình thức hỗ trợ có thể để giúp nước này khôi phục và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ngoài ra, Ankara còn giúp Damascus xây dựng lại lực lượng quân đội. Tháng 2 vừa qua, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed Al-Sharaa có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và gặp Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan. Hai bên đã thảo luận về một hiệp ước phòng thủ chung, bao gồm việc thành lập các căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Trung Syria và hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng quân đội Syria.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chủ chốt của Syria, có năng lực quân sự đáng kể, điều này sẽ rất cần thiết trong việc xây dựng lại quân đội Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng vai trò cầu nối ngoại giao, thu hút sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực dành cho chính phủ mới của Syria, hỗ trợ toàn vẹn lãnh thổ của Syria”, Murat Yesiltas, Giám đốc nghiên cứu an ninh của Tổ chức tư vấn chính sách SETA Foundation, nói với Breaking Defense. Theo ông, hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước sẽ chính thức hóa sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong tái thiết quân đội Syria và các nỗ lực chống khủng bố.
Với hiệp ước phòng thủ chung, Ankara có thể thiết lập các căn cứ tại Syria, sử dụng không phận quốc gia láng giềng, triển khai hệ thống phòng không hoặc gia tăng hiện diện quân sự tại Syria, phạm vi ảnh hưởng của Ankara sẽ mở rộng đáng kể. Theo Reuters, điều này có thể thay đổi hoàn toàn bức tranh địa chính trị khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã muốn củng cố vai trò tại Syria không chỉ vì hai nước có đường biên giới chung dài khoảng 800km và mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề người Kurd, mà còn bởi tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực của Ankara. Ông Furkan Halit Yolcu, chuyên gia an ninh và nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Sakarya (Thổ Nhĩ Kỳ), cho rằng việc duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển của khuôn khổ chính trị mới ở Syria là “thiết yếu” đối với Ankara. Vai trò và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria không chỉ phản ánh nguyện vọng chiến lược của nước này mà còn đóng vai trò là một công cụ chính trị và ngoại giao mà chính quyền Tổng thống Erdogan sử dụng để nâng tầm vị thế của Ankara tại khu vực.
Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên liên quan như Israel, Iran, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... Điều này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng tại khu vực vốn đã nổi tiếng bởi các “điểm nóng” xung đột.
NGỌC HÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.