QĐND Online - Trung Quốc đang di dời giàn khoan HYSY-981 về hướng Hải Nam; thông tin về việc máy bay chở khách của Malaysia MH17 bị nghi do tên lửa bắn trúng làm gần 300 người thiệt mạng…nhận được sự quan tâm của bạn đọc trong tuần.

Trung Quốc bắt đầu di dời giàn khoan Hải Dương-981 (HYSY-981) ra khỏi Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Chinanews

1. Ngày 15-7,  phía Trung Quốc bắt đầu di dời giàn khoan Hải Dương-981 (HYSY-981) ra khỏi Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Báo chí và dư luận thế giới thận trọng khi bình luận về sự kiện này.  Nhiều tờ báo của các nước trên thế giới có nhận định chung rằng,  kể từ đầu tháng 5 đến nay, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã gây ra những tình huống căng thẳng. Nhiều tờ báo thế giới cho rằng, Trung Quốc di dời giàn khoan, nhưng ý đồ của Trung Quốc với Biển Đông thì không hề thay đổi. Thậm chí sẽ còn nguy hiểm hơn.

Về sự kiện này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại hoặc đưa giàn khoan khác vào vùng biển của Việt Nam và khẳng định "Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế".

2. Ngày 17-7, hãng Interfax của Nga cho biết máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia chở 298 người đã rơi gần thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine, gần biên giới với Nga. Chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) về thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Trên máy bay có 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn.

Các nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17. Ảnh chụp qua màn hình TV

Chiếc máy bay MH17 của Malaysia rơi đã làm dấy lên những nghi ngờ về một vụ tấn công từ mặt đất. Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko xác nhận máy bay của Malaysia bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không ở độ cao 10km. Có nguồn tin khác lại xác nhận máy bay bị tấn công bằng tên lửa của máy bay chiến đấu. Sự việc đang được điều tra với nhiều nước cam kết tham gia.

Nhận định ban đầu từ Thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông Poroshenko tin rằng "hành động khủng bố" là nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay chở khách của Malaysia ngày 17-7.

Trong khi đó, ngày 17-7, lực lượng đòi liên bang hóa tại Ukraine đã cáo buộc rằng một máy bay tiêm tích của chính quyền Kiev đã bắn hạ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Thông cáo của chính quyền CHND Lugansk tự phong cho biết: "Các nhân chứng đã chứng kiến máy bay chở khách Boeing 777 bị một máy bay chiến đấu của lực lượng Ukraine tấn công. Sau đó, máy bay Boeing này đã gãy làm đôi trên không trung và rơi xuống lãnh thổ CHND Donetsk".

Trước sự nhiễu loạn thông tin trên, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Ngoại trưởng John Kerry và các thành viên cấp cao trong đội ngũ an ninh quốc gia về vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ ở Ukraine. Tổng thống Nga V.Putin đã ra lệnh cho Chính phủ LB Nga làm tất cả những gì có thể để đưa ra một bức tranh khách quan về thảm họa.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tổ chức họp báo về vụ máy bay MH17 gặp nạn trên không phận Ukraine. Thủ tướng Malaysia khẳng định nhà chức trách nước này phải tìm ra điều gì đã xảy ra đối với chuyến bay này. Nếu chiếc máy bay đã thực sự bị bắn hạ, Malaysia yêu cầu phải đưa thủ phạm ra xét xử trong thời gian sớm nhất.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đã yêu cầu thành lập ngay một Ủy ban Nhà nước để điều tra chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines được thông báo là bị rơi ở Ukraine. Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton đã kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ việc.

Hệ thống tên lửa Buk-1 bị nghi ngờ do một phía tham chiến ở Ukraine bấm nút "bắn hạ" MH17. Ảnh: kyivpost

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo các nước Malaysia và Hà Lan. Tại Liên hợp quốc, phát biểu tại phiên họp mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tối ngày 18-7, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định Việt Nam đề nghị tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và minh bạch về vụ máy bay Malaysia MH17 bị rơi xuống miền Đông Ukraine, làm 15 thành viên phi hành đoàn và 283 hành khách thiệt mạng, trong đó có 3 hành khách Việt Nam.

Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định, là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam luôn sát cánh với chính phủ và nhân dân Malaysia trên tinh thần đoàn kết trước vụ việc đau thương này. Việt Nam kêu gọi hành động nhanh chóng, hiệu quả và có trách nhiệm của các nhà chức trách liên quan đối với gia đình của các nạn nhân. Việt Nam đề nghị tiến hành một cuộc điều tra khẩn trương, minh bạch và hy vọng sự việc sẽ sớm được giải quyết với nỗ lực và quyết tâm của tất cả các bên có liên quan.
3. Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết sáng 18-7, giao tranh ác liệt đã xảy ra giữa quân đội Israel và các tay súng Palestine gần đường biên giới giữa Israel và Dải Gaza. Trước đó, sau khi kết thúc lệnh ngừng bắn hôm 17-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza sau 11 ngày không kích để đối phó với vụ nã rốckét từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel. Các nguồn tin y tế xác nhận ít nhất 6 người Palestine, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng, chỉ vài giờ sau khi Israel tuyên bố mở màn chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza.

Xe tăng Israel cùng bộ binh đã tấn công Gaza. Ảnh: PressTV.ir

Hãng thông tấn MENA đưa tin Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã kêu gọi Israel chấm dứt chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Gaza, nhấn mạnh rằng hành động đó sẽ chỉ khiến đổ thêm máu và làm phức tạp hóa các nỗ lực chấm dứt xung đột".

Trước đó, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã đồng ý tạm ngừng bắn trong 5 giờ vào ngày 17-7 theo một đề xuất của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm tạo điều kiện tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Dải Gaza, trong khi quốc tế tiếp tục nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

4. Ngày 16-7, thủ đô Moskva của LB Nga đã để tang những người thiệt mạng trong vụ tai nạn tàu điện ngầm khủng khiếp xảy ra ngày 15-7. Vụ tai nạn tàu điện ngầm xảy ra đúng giờ cao điểm (gần 9h00 sáng ở Moskva) tại vị trí giữa hai ga tàu "Công viên chiến thắng" và "Đại lộ Slavyansk" trên tuyến đường xanh Arbat-Pokrovskaya. Đây là vụ tai nạn tàu điện ngầm nghiêm trọng nhất tại Moskva trong 80 năm qua.

Người dân Moscow tới đặt hoa cho nạn nhân vụ tàu điện ngầm. Ảnh: RT

Hiện Ủy ban Điều tra LB Nga đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn tàu điện ngầm làm ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 215 người bị thương, trong đó có 56 người bị thương nặng này.

Trong ngày 16-7, cơ quan điều tra cho biết đã bắt giữ hai đối tượng, gồm ông Valery Bashkatov, quản đốc thuộc bộ phận bảo trì đường ray của công ty Metro Moskva, cùng trợ lý Yury Gordov. Các nhà điều tra nghi ngờ tai nạn xảy ra do hành vi thiếu trách nhiệm và sai quy cách trong việc lắp đặt hệ thống chuyển hướng đường ray, dẫn đến việc tàu vào gần tới sân ga thì bị trật bánh. Ngoài ra, ủy ban điều tra chính phủ cũng cho biết sẽ còn bắt giữ thêm hàng loạt quan chức cấp cao khác của ngành đường sắt để phục vụ công tác điều tra.

5. Quan hệ Nga – Ukraine, Nga - NATO đang xấu đi trông thấy sau khi phía Ukraine cáo buộc Nga cử binh lính tham gia trong thành phần phe tự vệ ở miền Đông. Còn NATO cho rằng, có 12.000 quân Nga đang áp sát biên giới Ukraine. Trong khi đó, Nga cho rằng, pháo của Ukraine đã giết thường dân Nga.

Trước những tuyên bố trên, ngày 14-7, nhật báo "Kommersant" dẫn một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết, Moskva đang cân nhắc về khả năng tiến hành "các cuộc tấn công trả đũa có chọn lọc" chống lại Ukraine, mà nguyên nhân trực tiếp được cho là sau khi một quả đạn cối được cho là bắn từ Ukraine làm một người Nga thiệt mạng.

Nguồn tin cho biết, Nga không có ý định tiến hành hoạt động trả đũa trên quy mô lớn, mà chỉ tấn công vào các địa điểm khởi phát hỏa lực nhắm vào lãnh thổ nước này. Phát biểu trên của phía Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 14-7, cho rằng các sỹ quan tham mưu Nga đang sát cánh cùng những người ly khai chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine, và một hệ thống tên lửa mới của Moskva đang được phe ly khai sử dụng.

Binh sĩ Ukraine lập nhiều chốt chặn bao vây khu vực miền Đông. Ảnh: Kyivpost

Một quan chức quân sự NATO giấu tên, ngày 14-7, cũng khẳng định Nga đang tăng cường lực lượng dọc biên giới với Ukraine, và Moskva hiện có khoảng từ 10.000-12.000 quân tại khu vực này.

Phía Nga chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên. Song các quan chức ngoại giao Nga cũng khẳng định, trả đũa là biện pháp cuối cùng.

Liên quan tới tình hình chiến sự ở miền Đông, nguồn tin Chính phủ Ukraine cho biết, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố thu hẹp các khu vực tiến hành cái gọi là "chiến dịch chống khủng bố" ở miền Đông nước này. Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh cần phải thay thổi chiến lược nhằm thu hẹp khu vực triển khai chiến dịch chống khủng bố, nỗ lực bảo vệ biên giới và bảo đảm an ninh cho mọi người dân. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định chiến dịch đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm.

Về kết quả của chiến dịch trên, cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 14-7 thông báo, quân đội Ukraine đã giải phóng nhiều điểm dân cư xung quanh thành phố Lugansk là Oleksandrovsk, Beloe, Roskosnoe và Metalist. Cho tới sáng 14-7, tình hình trong khu vực tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở miền Đông Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, tình hình diễn ra tồi tệ nhất tại các thành phố Donetsk, Lugansk, Lisichansk, Severodonetsk, Anthracite, nơi lực lượng tự vệ đòi ly khai sử dụng các tòa nhà công quyền bị chiếm làm bàn đạp. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết do cuộc tấn công của các lực lượng tham gia chiến dịch chống khủng bố, dân quân li khai đang tìm cách rời Donetsk trong trang phục dân thường và trên xe ô tô của người dân.

Trong khi đó, nguồn tin từ phe tự vệ cho biết, lực lượng tự vệ địa phương đã bắn hạ hai máy bay của quân đội Ukraine ở khu vực Lisichansk và Izvarino. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeriy Heletey thừa nhận rằng máy bay vận tải An-26 đã bị bắn hạ khi đang làm nhiệm vụ và hiện không thể liên lạc với thành viên phi hành đoàn. Công tác tìm kiếm chiếc máy bay này đang được triển khai.

Trong một bước đi phản ánh chiều hướng quan hệ ngày càng xấu với Moskva, ngày 16-7 chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt rộng nhất đối với Nga.

6. Sáng 15-7 (theo giờ Berlin), chiếc máy bay Boeing 747 chở đội tuyển Đức hạ cánh muộn xuống sân bay Tegel ở thủ đô nước này, nơi đang có hàng triệu người chờ đợi từ sáng sớm để đón những người hùng trở về từ Brazil.

Hàng triệu cổ động viên Đức chào đón đội tuyển bóng đá nam nước này mang Cup vàng về cho đất nước. Ảnh: Wallepehenh.com

Dọc đường từ sân bay về khu vực Cổng Brandenburg, người dân đã đứng đợi kín dọc hai bên đường. Trên các toà nhà cao tầng, mọi cánh cửa sổ, ban công cũng chật kín người ngóng đợi các tuyển thủ sẽ đi qua.

Các tuyển thủ được đón từ sân bay theo nghi thức cấp cao nhất, với hàng loạt xe cảnh sát, xe môtô dẫn đường và khoá đuôi. Các kênh truyền hình Đức cũng đưa trực tiếp lễ đón các tuyển thủ cũng như lễ mừng chiến thắng ở Cổng Brandenburg. Một kết thúc có hậu cho đội tuyển Đức và với tất cả những người yêu đội tuyển Đức trên khắp thế giới.

7. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva không có ý định thành lập một liên minh chính trị-quân sự trên cơ sở Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Tuyên bố trên được người đứng đầu nước Nga đã đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass ngày 15-7 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 tại Brazil.

Đề cập đến những kế hoạch của BRICS, Tổng thống Putin cho biết về dài hạn, các quốc gia thành viên có kế hoạch lập một ban thư ký BRICS chính thức và hướng tới việc nâng vai trò của tổ chức này lên tầm cao mới.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 khai mạc ngày 15-7 tại thành phố Fortaleza (Pho-ta-lê-gia) của Brazil nhằm thống nhất các điều khoản cuối cùng về việc thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ chung. Quy mô ban đầu 100 tỷ USD theo mô hình Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đối phó các cuộc khủng hoảng tài chính. Các nước cũng cân nhắc việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS - theo mô hình của Ngân hàng Thế giới (WB) - với số vốn hoạt động ban đầu lên đến 50 tỷ USD và tỷ lệ góp vốn chia đều cho mỗi thành viên.

 

NGUYỄN HÒA (Tổng hợp)