1. Kết thúc Đối thoại Shangri-la: Biển Đông là tâm điểm
Đối thoại Shangri-la là diễn đàn thường niên thu hút sự tham gia của nhiều học giả, chính trị gia. Mặc dù có chủ đề Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 15, tâm điểm của Đối thoại Shangri-la lần này lại phần nhiều xoay quanh vấn đề Biển Đông vốn đang được nhiều bên quan tâm.
Phát biểu tại phiên toàn thể với chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định vai trò tích cực của ASEAN trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và nhấn mạnh đòi hỏi hòa bình, ổn định, hợp tác để cùng phát triển trong khu vực.
Diễn đàn thường niên Shangri-la thu hút sự quan tâm của nhiều học giả và chính trị gia. Ảnh: Straitstimes
Việt Nam nhất quán quan điểm kiên trì theo đuổi đường lối đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông của ASEAN và Trung Quốc (DOC). Tuy nhiên, những diễn biến gần đây ở Biển Đông không khỏi khiến cho các nước liên quan lo ngại. Những diễn biến này bao gồm việc Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi đá chiếm đóng trái phép của Việt Nam, đưa trọng pháo, tên lửa, ra-đa và cả máy bay chiến đấu ra vùng biển, đảo còn đang tranh chấp, vũ trang các lực lượng dân sự trá hình, trực tiếp uy hiếp tới an toàn và tự do hàng hải, hàng không của không chỉ các bên liên quan mà còn cho tất cả các nước có liên quan tuyến đường biển đi qua Biển Đông.
Việt Nam đã kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và nhận được sự nhất trí của nhiều nước tham gia diễn đàn như Mỹ, Nhật Bản, Philippines… Rõ ràng, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không còn là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ nào, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới tự do, an toàn hàng hải, hàng không, ổn định và phát triển của cả khu vực và thế giới. Một giải pháp lâu dài và hòa bình là điều cần thiết và trước mắt các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ việc không thay đổi hiện trạng, kiềm chế sử dụng vũ lực cũng như không quân sự hóa vùng biển tranh chấp.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9-6, Hội nghị lần thứ 12 các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN – Trung Quốc đã nhóm họp tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bàn về ứng xử của các bên ở Biển Đông và tham vấn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông cho các bên (COC).
2. Hòa bình cho Trung Đông: Con đường trắc trở
Đàm phán về hòa bình ở Trung Đông đã diễn ra tại Paris mà không có sự góp mặt của 2 nước liên quan chính là Israel và Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tỏ rõ thái độ phản đối trong khi Palestine lại ủng hộ sáng kiến này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tỏ rõ thái độ phản đối sáng kiến của Pháp. Ảnh: vietdaikynguyen.com
Pháp, nước đưa ra sáng kiến hòa bình Trung Đông, cho biết với sự tham dự của gần 30 nước, Pháp hy vọng khai thông bế tắc cho hòa đàm Trung Đông vốn đã đi vào ngõ cụt kể từ năm 2014. Thế giới hiện đang tập trung sự chú ý vào các điểm nóng mới, cần giải pháp cấp bách hơn như nội chiến Syria, khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Do vậy, cuộc khủng hoảng dai dẳng này dường như đang bị chìm đi.
Giải thích cho việc loại Israel và Palestine ra khỏi danh sách tham dự đàm phán, Pháp cho rằng đó là do Tel Aviv thường từ chối thỏa hiệp, trong khi mục đích của đàm phán là tạo nền tảng để tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu liên tục bác bỏ khả năng hợp tác với bất cứ nỗ lực đa phương nào cho tiến trình đàm phán hòa bình. Ý tứ của Israel đã rất rõ ràng như Thủ tướng nước này đã tuyên bố: “Cách duy nhất để thúc đẩy hòa bình thực chất với Palestine là thông qua đàm phán trực tiếp song phương mà không có bất kỳ một điều kiện tiên quyết nào”.
Khác biệt quan điểm ngay cả trong việc có tham dự đàm phán hay không và thái độ hờ hững của Mỹ đối với sáng kiến này cho thấy con đường hòa bình cho Trung Đông còn rất nhiều trắc trở.
3. Đối thoại chiến lược, kinh tế Mỹ-Trung
Ngay sau Đối thoại Shangri-La, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 8. Tại cuộc đối thoại này, hai bên đã thảo luận một số vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, hợp tác kinh tế và thương mại, chương trình tên lửa của Triều Tiên, và vấn đề Biển Đông.
Quang cảnh đối thoại. Ảnh: news.cn
Về vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry hối thúc Trung Quốc gây sức ép lên đồng minh của mình nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Về kinh tế, thương mại, Trung Quốc cam kết sẽ có hành động cụ thể nhằm giảm tình trạng sản xuất dư thừa và cảnh báo rằng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước có thể ảnh hưởng nặng nề tới quan hệ thương mại.
Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, vấn đề Biển Đông lại tiếp tục khiến cho đối thoại nóng lên khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho rằng không thể giải quyết tranh chấp bằng hành động đơn phương của bất cứ một bên liên quan nào. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh báo Trung Quốc đang tự cô lập chính mình nếu nước này tiếp tục có các động thái leo thang ở Biển Đông. Tại đối thoại Mỹ-Trung lần này, trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định: “Cả khu vực Thái Bình Dương rộng lớn nên là nơi để dành cho hợp tác, chứ không phải để đối đầu”.
4. Brazil trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị
Ngày 7-6, Tổng chưởng lý liên bang Rodrigo Janot đã đệ trình yêu cầu bắt giữ 4 chính trị gia hàng đầu bao gồm Chủ tịch Thượng viện Eduardo Cunha, Chủ tịch Hạ viện Renan Calheiros, cựu Tổng thống José Sarney và cựu Bộ trưởng Kế hoạch Romero Jucá. Bốn nhân vật này bị đề nghị bắt giam để điều tra về cáo buộc cản trở quá trình điều tra bê bối tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobas. Tất cả 4 nhân vật này đều bác bỏ cáo buộc nói trên.
Chủ tịch Thượng viện Brazil Eduardo Cunha. Ảnh: Vietnam+
Vụ bê bối Petrobras bắt đầu bị phanh phui vào tháng 3-2014 khiến chính trường Brazil chao đảo. Có tới hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Trong số khoảng 50 chính trị gia bị điều tra có nhiều người là nghị sĩ và thống đốc bang. Theo cảnh sát, số tiền hối lộ cho các chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras lên tới 4 tỷ USD.
Diễn biến mới này đang tạo ra bất ổn mới cho chính phủ lâm thời của Tổng thống Michel Temer do nó có thể trì hoãn các quyết định quan trọng về cải cách của chính phủ cần phải được Quốc hội Brazil thông qua.
Như vậy, cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil rất có thể còn kéo dài khiến quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng tê liệt trong khi Thế vận hội Olympic 2016 sắp diễn ra tại Rio de Janeiro vào tháng 8 tới.
5. Triều Tiên đột ngột đề xuất thống nhất liên Triều
Ngày 9-6, Triều Tiên đã đột ngột đề xuất cùng với Hàn Quốc tổ chức một cuộc họp liên Triều nhằm bàn thảo biện pháp thống nhất, đi kèm với đó là yêu cầu ngừng các cuộc diễn tập quân sự.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, phía Triều Tiên đã đề xuất mở một cuộc họp mặt lớn trên toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 71 năm giải phóng Triều Tiên nhằm nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều và hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước bằng nỗ lực của nhân dân cả hai miền. “Chúng tôi kêu gọi người Triều Tiên ở miền Bắc, miền Nam và nước ngoài cùng chung tay để mở ra cánh cửa thống nhất sức mạnh”.
Khu vực phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên từ năm 1953. Ảnh: Reuters
Đây là đề xuất đối ngoại mới nhất của Triều Tiên đối với Hàn Quốc kể từ khi nước này đề xuất đàm phán quân sự hai miền nhưng đã bị Seoul từ chối. Lần này cũng vậy, đề xuất thống nhất liên Triều của Triều Tiên cũng bị phía Hàn Quốc bác bỏ vì cho rằng đây chỉ là một cách tuyên truyền. Hàn Quốc cũng khẳng định quan điểm cứng rắn của mình: Sẽ không có đối thoại nào cho đến khi Triều Tiên cho thấy thiện chí từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình.
Bán đảo Triều Tiên đang rơi vào căng thẳng khi Triều Tiên gần đây tiến hành hàng loạt các vụ thử tên lửa và phát triển vũ khí hạt nhân. Theo thông tin của phương Tây, nền kinh tế Triều Tiên đang ở trong tình trạng ngày càng khó khăn và nước này thường đem chương trình hạt nhân của mình ra để mặc cả đổi lấy sự trợ giúp về kinh tế của Hàn Quốc và phương Tây.
6. Thế giới chờ đón Euro 2016
Euro là sự kiện thể thao lớn của “lục địa già”, được tổ chức 4 năm một lần. Năm nay, Euro 2016 được tổ chức tại Cộng hòa Pháp và các trận bóng trong khuôn khổ giải đấu này sẽ diễn ra trên 10 sân cỏ trên kháp nước Pháp.
Lễ khai mạc tràn ngập âm thanh và sắc màu. Ảnh: gettyimages
Đây là sự kiện không chỉ thu hút người hâm mộ bóng đá châu Âu mà còn được giới túc cầu trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Theo thông lệ, đội chủ nhà đá trận mở màn và đội giáp mặt chủ nhà trong đêm 10-6 (giờ địa phương) là Romania. Và chiến thắng đã thuộc về đội tuyển Pháp với tỉ số 2-1. Không chỉ trên đường phố của nước chủ nhà mà ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, biểu tượng của giải đấu, biển quảng cáo và lịch thi đấu đã được trưng bày và bày bán khắp nơi.
Năm nay, số đội tham gia Euro tăng lên 24, nâng tổng số trận lên 51. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nước Pháp sẽ đón thêm một lượng lớn cổ động viên tới từ các nước và việc đảm bảo an ninh cho giải đấu sẽ là một thách thức lớn cho giới chức nước này. Để tiếp đón và đảm bảo an ninh cho hàng triệu người tới xem trực tiếp trên các sân cỏ của mình, nước Pháp đã không ngừng tăng cường các biện pháp thắt chặt an ninh trong bối cảnh nhiều cảnh báo về nguy cơ khủng bố sẽ nổ ra trong giải đấu. Đã có 30.000 cảnh sát cùng nhiều nhân viên an ninh, cứu hỏa, công binh… được huy động nhằm đảm bảo loại bỏ nguy cơ khủng bố và an toàn tuyệt đối cho cầu thủ, cổ động viên và các nhân vật liên quan tại Euro 2016.
Chính thức khai mạc tại Paris rạng sáng ngày 11-6 (giờ Hà Nội), Euro 2016 hứa hẹn mang lại cho những người hâm mộ “môn thể thao vua” trên toàn thế giới những trận cầu mãn nhãn trong vòng một tháng tới đây.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)