Nhiều góc khuất khác của cuộc chiến
Chúng tôi gặp ông Craig McNamara khi ông tới Việt Nam vào trước dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không xa. Là nhân vật chính của bộ phim tư liệu “Cuộc đọ sức của ý chí” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện (dự kiến giới thiệu vào dịp 30-4), ông cùng ê kíp làm phim đã hoàn thiện những cảnh quay quan trọng tại chính các chiến trường ác liệt năm xưa gắn với cái tên Robert McNamara-“kiến trúc sư trưởng” cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đó là những nơi diễn ra các trận đánh đi vào lịch sử như: Ấp Bắc, Ia Đrăng, Khe Sanh... Ông cũng đi tới những địa danh nổi tiếng như: Sân bay Tà Cơn, cầu Hiền Lương, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi)-nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng)-nơi lính Mỹ lần đầu tiên đổ bộ đến Việt Nam năm 1965, gặp những nhân chứng đã phá “hàng rào điện tử McNamara” được cho là hiện đại và tinh vi nhất thế giới lúc bấy giờ.
 |
Ông Craig McNamara xúc động chia sẻ về lần tới thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. |
Ông Craig kể, khi tới Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ông đã thắp hương lên hàng trăm ngôi mộ và dừng lại trước ngôi mộ của một chiến sĩ hy sinh năm 1950. Kể tới đây, Craig cố nén nhưng không thể ngăn những giọt nước mắt xúc động, khiến câu chuyện phải tạm ngưng. Giọng ông nghẹn lại: “Bởi ngày anh ấy hy sinh, là ngày tôi chào đời”...
Tới Gia Lai, nơi diễn ra trận Ia Đrăng, ông được nghe hai cựu chiến binh từng trực tiếp chiến đấu tại đây chia sẻ những câu chuyện đầy cảm xúc về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi này. Nước mắt của họ đã rơi sau 60 năm trở lại chiến trường xưa. Câu chuyện của các cựu chiến binh khiến Craig hiểu nhiều hơn về những hy sinh, mất mát của bộ đội Việt Nam.
Ông Craig cho biết, từng thấy nhiều người Mỹ bị gửi tới Việt Nam để tham chiến và bỏ mạng tại đây. Còn những người lính Mỹ khi trở về, rất nhiều trong số họ không được chào đón. Ông cho đó là một bi kịch. Còn phía Việt Nam, hàng triệu người đã ngã xuống vì cuộc chiến do nước Mỹ gây ra. “Đó là một mất mát không gì bù đắp nổi”, ông nói.
Craig thừa nhận, tham gia bộ phim “Cuộc đọ sức của ý chí” giúp ông nhìn thấy nhiều góc khuất khác của cuộc chiến. Để rồi ông nhận ra: “Chúng ta cần biết lắng nghe, thấu hiểu những sai lầm của quá khứ. Lịch sử vẫn còn nhiều điều vô tận để khám phá”. Nhưng “quan trọng là chúng ta học được gì từ những bài học của quá khứ, để không lặp lại nó, để hướng tới một tương lai hòa bình hơn cho nhân loại”.
Không tham chiến ở Việt Nam, nhưng cũng như nhiều người dân Mỹ lúc đó, Craig thừa nhận đã phải trải qua một thời kỳ không dễ dàng bởi những suy nghĩ bế tắc cùng những ám ảnh liên quan đến cuộc chiến. Lúc đó Craig mới khoảng 20 tuổi, ông đã quyết định phải rời xa nước Mỹ một thời gian. Và ông chọn tới Nam Mỹ sống trong hai năm rưỡi trước khi trở về nước. Sau khi trở về từ Nam Mỹ, nơi ông sống cuộc sống của người nông dân, Craig nhận thấy mình vẫn chưa thể thoát khỏi những ám ảnh cũ với rất nhiều câu hỏi liên quan tới cuộc chiến chưa được giải đáp. Từ đó đến tận bây giờ, ông vẫn tiếp tục hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà ông đặt ra cho cha mình về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.
Trong câu chuyện của mình, Craig đã nhắc tới Rich Rusk, con trai của cựu Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk-người có nhiều điểm chung với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara-họ đều là những người chủ chiến trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và đều có hai người con trai phản chiến. Khá giống với Craig, Rich không nói chuyện với cha suốt 14 năm, nhưng khác ở chỗ Rich không chịu nói chuyện và chọn cách sống ẩn mình bằng việc đi đánh cá ngừ ở Alaska.
Craig và Rich từng bàn nhau cùng đi thăm Việt Nam, nhưng ý định không bao giờ thực hiện được vì Rich đã nhảy cầu tự tử vào ngày 28-1-2018, vài ngày trước chuyến đi. Craig chia sẻ rằng ông không khẳng định thảm kịch này là do những ám ảnh liên quan tới cuộc chiến, nhưng “con tim tôi cho thấy đó là lý do chính”. Craig còn cho biết thêm, khi có ý định tới thăm Việt Nam, Rich đã hỏi ông rất nhiều về việc "tới Việt Nam liệu có được chào đón không" sau khi Craig có chuyến đi tới Việt Nam vào năm 2017.
“Cha tôi đã im lặng”
Trước khi tham gia bộ phim, Craig đã viết một cuốn sách có tựa đề “Vì cha chúng tôi dối trá-Hồi ký sự thật và gia đình, từ Việt Nam đến ngày nay” xuất bản tại Mỹ, năm 2022. Khi bắt đầu dự định viết sách, ông có niềm tin việc làm này sẽ đem lại cho mình một sự giải thoát nào đó, thậm chí là giúp ông “tạm khép lại” hay có thể “chữa lành vết thương”. Trong bản dự thảo Lời nói đầu trước đây, Craig đã viết về ước muốn được tha thứ-cho mình và cha của mình.
Với cuốn sách này, Craig được đánh giá là đã dũng cảm vén bức màn bí mật của lịch sử, đối diện với những sự thật gai góc về cha mình. Nhưng với Craig, việc viết cuốn sách đơn giản là giúp tìm ra được sự hòa giải giữa ông với người cha. Trong cuốn hồi ký luôn thể hiện sự khác biệt trong suy nghĩ của hai cha con.
Ông nói, khi đặt tựa đề cho cuốn sách, chữ “người cha” bằng tiếng Anh được dùng ở số nhiều để cho biết rằng ngoài cha ông, còn nhiều người cha trong bộ máy chính quyền Mỹ lúc đó “đã nói dối con em của mình về ý nghĩa thực sự của cuộc chiến”.
Nhưng có thể thấy, thông qua việc phát hành cuốn sách và tham gia bộ phim, Craig đã kể lại toàn bộ quá trình chứng kiến cha mình tham gia vào việc hoạch định chiến lược và tiến hành cuộc chiến tại Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ.
Khi là thanh niên, ông cho biết luôn muốn đối chất với cha mình về logic phía sau quyết định chiến tranh ở Việt Nam như vậy. “Nhưng luôn có bức tường vô hình khiến tôi không thể vượt qua để đối thoại thẳng thắn với cha tôi”, Craig thừa nhận rằng trong gia đình mình khi đó “luôn có một cuộc chiến thầm lặng”. Ông cho rằng, nếu còn sống thì một trong những điều khiến cha ông tiếc nuối nhất có lẽ đó là đã không nói với ông sự thật. Lúc cựu Bộ trưởng Robert McNamara còn sống, đã nhiều lần Craig hỏi cha mình về quan điểm của ông trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng những gì ông nhận được chỉ là sự im lặng.
Theo ông Craig: “Trong 8 năm làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cha tôi có những quyết định mà theo tôi là không thể sửa chữa được, không thể khắc phục được, ví dụ như ký lệnh rải chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam”.
Nhiều năm về sau, Robert McNamara viết một cuốn hồi ký tựa đề “Nhìn lại”, trong đó thừa nhận sai lầm của mình. 20 năm sau sang Việt Nam, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận những sai lầm đó.
Craig kể khi đó, ông đã cầu xin cha cho đi cùng để hiểu hơn về cuộc chiến nhưng bị từ chối, khiến ông phải năn nỉ rằng mình sẽ không làm gì mà chỉ lắng nghe. “Tôi nghĩ ông đã bỏ lỡ cơ hội có sự đồng hành của người con trai, xuất phát từ nỗi sợ và sự xấu hổ của mình về những sai lầm trong cuộc chiến”, Craig chia sẻ.
Con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bộc bạch: “Cả quá trình lớn lên và trưởng thành của tôi đều gắn với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”. Khi quyết định viết một cuốn hồi ký, Craig đã nghĩ mình sẽ viết chủ yếu về những trải nghiệm làm nông dân của mình, nhưng khi bắt đầu viết, ông “nhận ra sợi chỉ đỏ cuộc đời mình chính là hướng về Việt Nam”.
Vợ con Craig đã khá lo lắng về việc ra mắt cuốn sách. Nhưng thật không ngờ, khi cuốn sách lần đầu tiên ra mắt độc giả tại Mỹ, ông đã nhận được 300 email cùng nhiều thư viết tay gửi tới động viên, chia sẻ. Họ đều nói với ông rằng hậu quả của cuộc chiến là rất khó giải quyết, nhưng mọi người có thể làm gì để khắc phục mới là điều quan trọng. Đó là tất cả có thể cùng chung tay, dù là ai, già hay trẻ, khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng hướng tới tương lai hòa bình và tốt đẹp hơn.
Craig chia sẻ, ông sẽ dành phần đời còn lại của mình để tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Trước đây, ông đã tích cực tham gia tổ chức làm sạch bom, mìn ở Quảng Trị do cựu binh Mỹ Chuck Searcy đồng sáng lập.
Gặp Craig, thấy ông đeo chiếc huy hiệu có hai quốc kỳ Mỹ và Việt Nam gắn cạnh nhau, ông chia sẻ: "Ngày hôm nay, tôi đeo chiếc huy hiệu này để muốn nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta có nhiều vấn đề cần giải quyết như hậu quả chất độc da cam/dioxin và chúng ta có thể cùng nhau hành động để sửa chữa".
Trở lại Việt Nam, Craig bộc bạch rằng: "Việt Nam là một đất nước rộng mở và thân thiện nhất mà tôi từng biết. Sự thân thiện, chào đón của Việt Nam, sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử Việt Nam của tôi cũng tốt hơn khiến tôi càng thấy yêu đất nước của các bạn. Việt Nam có câu “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Đó là điều tôi khắc sâu, cho thấy các bạn thật sự rộng lòng để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho cả hai bên!".
Bài và ảnh: MỸ HẠNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.