1. Trước thềm EURO 2016, giao thông đường sắt, đường bộ, đường không và cả đường biển tại Pháp đang đối mặt với nguy cơ rối loạn do các cuộc bãi công và tuần hành nhằm phản đối dự luật cải cách lao động của chính phủ.
Sau khi làm tê liệt toàn nước Pháp bằng cách phong tỏa các nhà máy lọc dầu và các kho chứa nhiên liệu, Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) lại hưởng ứng lời kêu gọi đình công trong mạng lưới đường sắt quốc gia và mạng lưới tàu điện ngầm Paris. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đối mặt với việc phải hủy hoặc hoãn chuyến bay.
Một cuộc tuần hành đình công tại Pháp. Ảnh: Reuters.
Căng thẳng giữa chính phủ và các công đoàn đã trở thành đối đầu. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo động. Chính phủ Pháp tuyên bố kiên quyết không sửa đổi Luật Lao động, còn các công đoàn khẳng định sẽ gây sức ép tới cùng. Nguy cơ bất ổn xã hội và thiệt hại về kinh tế đang ngày càng trở nên hiện hữu tại đất nước hình lục lăng này. Điều này càng gây quan ngại hơn khi EURO 2016 đang đến gần. Giao thông đường sắt rối loạn còn ảnh hưởng tới các chuyến tàu cao tốc từ Anh, Hà Lan và Bỉ tới Paris.
Làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp bắt đầu từ tháng 3 vừa qua nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà chính phủ đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên. Phe phản đối chỉ trích dự luật này làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động.
2. Khu vực Đông Bắc Á lại dậy sóng sau vụ phóng tên lửa bất thành của Triều Tiên ngày 31-5, được thực hiện gần thành phố biển Wonsan ở phía Đông nước này. Động thái trên khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã căng thẳng lại càng trở nên khó kiểm soát.
Tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc làm này của Triều Tiên. Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường trao đổi và đối thoại trong khu vực. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) "lên án mạnh mẽ" về các hoạt động tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các nước thành viên tăng cường nỗ lực triển khai các biện pháp trừng phạt đã được thông qua. HĐBA cũng lấy làm tiếc rằng Triều Tiên dùng tài nguyên để theo đuổi chương trình hạt nhân trong khi người dân trong nước đang sống trong tình cảnh thiếu thốn.
Đây là lần thứ 4 Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung bất chấp những chỉ trích và phản đối của quốc tế. Một quan chức cao cấp của Triều Tiên tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục chính sách phát triển kinh tế đi liền với phát triển năng lực hạt nhân.
Hiện quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, sẵn sàng đối phó với bất cứ hành động gây hấn tiếp theo nào từ phía Triều Tiên.
3. Sau những bất ổn về kinh tế và căng thẳng chính trị kéo dài, chính trường Venezuela đã có dấu hiệu tích cực khi chính phủ và phe đối lập nhất trí đối thoại dưới sự bảo trợ của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR).
Mặc dù đây chỉ là cuộc đối thoại “không chính thức” bởi hai bên vẫn chưa ngồi trực tiếp với nhau, nhưng tín hiệu tích cực mà các nhà trung gian hòa giải nhận thấy “mong muốn đối thoại ở cả hai phía”, nhằm “nhất trí về một chương trình nghị sự phù hợp với nhu cầu của mỗi bên và về cách thức tham gia cuộc đối thoại quốc gia”.
Phe đối lập xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Venezuela Maduro. Ảnh AP.
Thời gian qua, phe đối lập liên tục xoáy sâu vào những bết bát của nền kinh tế, từ đó đẩy mạnh biểu tình phản đối chính quyền, kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để phế truất Tổng thống Maduro, trả tự do cho các tù nhân chính trị, cho phép những người lưu vong trở về nước và chấm dứt các cuộc đàn áp chính trị.
Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro thì cáo buộc phe đối lập có hành vi gian lận khi cho rằng, nhiều chữ ký (khoảng 10.000 chữ ký) trong bức thư yêu cầu mở một cuộc trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm đối với tổng thống đều thuộc về những người đã chết. Tổng thống Nicolas Maduro còn tuyên bố cứng rắn rằng, nếu bị đảo chính, ông sẽ kêu gọi những người ủng hộ chính quyền “nổi dậy”.
Tổng thống Maduro còn tố cáo NATO và Mỹ đang lên kế hoạch tấn công quân sự Venezuela, đồng thời chỉ trích các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha gây hấn nhằm hợp pháp hóa âm mưu trợ giúp các thế lực tiến hành đảo chính. Trong khi đó, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã ra thông báo triệu tập một cuộc họp khẩn để xem xét việc khai trừ Caracas khỏi tổ chức này vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền.
4. Tuần qua, giao tranh giữa lực lượng an ninh Iraq và phiến quân IS tự xưng ở hai điểm nóng là Fallujah và Mosul vẫn đang diễn ra cực kỳ ác liệt.
Trong khi lực lượng an ninh của chính phủ đang tìm cách thâm nhập vào sâu trong thành phố, thì các tay súng của IS sử dụng bom xe tự sát, súng phóng lựu và lực lượng bắn tỉa để đáp trả, ngăn bước tiến của quân đội.
Quân đội Iraq đang đẩy mạnh chiến dịch tái chiếm Fallujah. Ảnh: AP.
Hàng trăm gia đình bị IS sử dụng làm “lá chắn sống” ở trung tâm của Fallujah. Khoảng 3.700 người đã chạy nạn khỏi Fallujah, trong khi hàng nghìn người khác (ít nhất có 20.000 trẻ em) đang bị đe dọa tính mạng khi bị kẹt giữa hai làn đạn. Nhiều người đã bị giết hoặc bị chôn sống ngay tại chính ngôi nhà của mình khi giao tranh nổ ra.
Chiến dịch giành lại Fallujah được đánh giá là một trong những thách thức khó khăn nhất trong cuộc chiến chống IS của quân đội Iraq, bởi đây là một trong những thành trì quan trọng nhất của phiến quân này kể từ tháng 1-2014.
Cùng thời điểm này, hàng nghìn dân quân người Kurd được sự yểm trợ bởi máy bay chiến đấu của liên quân quốc tế đang tấn công quyết liệt giành lại thành phố Mosul.
5. Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD 15) đã chính thức khai mạc vào ngày 3-6 tại Singapore.
Đây là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới. Đối thoại Shangri-La lần này diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.
Các nội dung quan trọng tại Đối thoại Shangri-La 2016. Ảnh: vtv.vn.
Tại diễn đàn, các bên sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực nổi lên như tình hình bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố cực đoan ở châu Á, vấn đề an ninh mạng, an ninh an toàn tự do hàng hải. Trong đó những căng thẳng trên biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục là chủ đề nóng được thảo luận xuyên suốt Đối thoại.
Tiến sĩ William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng Đối thoại Shangri-La lần này sẽ là cơ hội tốt để các nước nêu quan điểm về vấn đề an ninh trong khu vực. Mặt khác, trong bối cảnh an ninh hàng hải của khu vực đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các nước liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Malaysia có thể cùng thảo luận các biện pháp để củng cố an ninh hàng hải tại khu vực và đề cập đến các vấn đề các bên quan ngại như việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
6. Quỹ Walk Free trong Báo cáo “Chỉ số nô lệ toàn cầu 2016” ngày 31-5 công bố, hơn 45 triệu người trên thế giới đang phải sống trong cảnh nô lệ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Số nạn nhân tăng 28% so với báo cáo hai năm trước. Hai phần ba số nạn nhân thuộc các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Ấn Độ được cho là nước có nhiều nô lệ nhất với 18,35 triệu người.
Một bé trai làm việc tại một cửa hàng bán củi ở Gauhati (Ấn Độ) trong khi em gái nằm ngủ dưới đất. Ảnh: AP.
Quy mô của nạn nô lệ hiện đại, được mô tả trong báo cáo nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì dư luận thế giới biết đến.
Theo Liên hợp quốc, các hình thức nô lệ hiện đại như buôn người, cưỡng bức bán dâm, cưỡng bức lao động, bắt trẻ em cầm súng, sử dụng trẻ em trong các đường dây buôn ma túy… có xu hướng phát triển. Tình trạng này phần lớn là do nạn nghèo đói, nạn kỳ thị và cô lập xã hội.
7. Ấn Độ tuần qua được ví như “Hỏa Diệm Sơn” khi phải đối phó với đợt nắng nóng kỷ lục, khiến 2.300 người tử vong. Nền nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức 40 độ C, thậm chí có nơi lên tới 51 độ C.
Nhựa đường tan chảy vì nắng nóng kéo dài tại Ấn Độ. Ảnh: EPA.
Nắng nóng làm nhựa đường tan chảy, gây cản trở rất nhiều tới giao thông đi lại của người dân. Chính quyền đã phải đóng cửa trường học ở một số bang như Rajasthan, New Delhi, Uttar Pradesh và Gujarat để bảo đảm an toàn cho trẻ em. Vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bang Andhra Pradesh ở bờ biển phía đông nam của Ấn Độ với số người thiệt mạng vì nắng nóng đã lên tới gần 2.000 người.
Phần lớn những người tử vong do nắng nóng là những người nghèo trong xã hội hoặc những người vô gia cư. Ước tính có khoảng 300 triệu người đang phải sống trong tình trạng không có điện và nước sinh hoạt. Cơ quan dự báo khí tượng của Ấn Độ cho biết, đợt nắng nóng này còn kéo dài khi các cơn mưa vẫn chưa xuất hiện.
VĂN DUYÊN (tổng hợp)