1. Các nhà lãnh đạo thế giới gửi thông điệp Năm mới 2019

Nhân dịp năm mới 2019, lãnh đạo nhiều quốc gia đã gửi thông điệp tới người dân, cầu chúc một năm mới hòa bình, đoàn kết và phát triển thịnh vượng.

Trong thông điệp của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi người dân trên thế giới đoàn kết giải quyết các thách thức và chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhấn mạnh những thử thách cam go như biến đổi khí hậu, chia rẽ chính trị, vấn nạn di cư…, ông Guterres khẳng Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục là cầu nối giải quyết các vấn đề thế giới.

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Đức đã đề cập tới nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, di cư tới cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Đức muốn "đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn", khẳng định Berlin sẽ thúc đẩy "các giải pháp toàn cầu" cũng như tăng ngân sách cho viện trợ nhân đạo và phòng thủ. 

Thủ tướng Merkel trong bài phát biểu mừng năm mới. Ảnh: Getty

Từ châu Á, trong bài phát biểu Năm Mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 tiếp tục phát triển ở tốc độ hợp lý. Đời sống cũng như mức sống của người dân đang tiếp tục được cải thiện.  

Trong khi đó, với một thông điệp ngắn gọn, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, 2019 sẽ là một năm tuyệt vời đối với nước Mỹ: "Nước Mỹ vĩ đại sẽ quay trở lại với chúng ta nhanh đến mức tất cả mọi người cũng không thể tưởng tượng được".

Trong thông điệp năm mới được phát sóng trên truyền hình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định tiến trình phi hạt nhân hóa của nước này vẫn không thay đổi. Trong quan hệ với Mỹ, ông Kim Jong-un nhấn mạnh: "Tôi luôn sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ vào bất cứ lúc nào và nỗ lực mang đến một kết quả mà cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh".

Kêu gọi người dân Nga đoàn kết, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng: “Chúng ta cần phải đoàn kết để tạo nên sức mạnh. Hữu nghị và sự tử tế sẽ đoàn kết mọi người và giúp chúng ta đạt được các mục tiêu chung”.

Trong thông điệp đầu năm 2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết đẩy mạnh đàm phán với Nga để hướng tới ký kết một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến. Ông Abe cũng cam kết giải quyết tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, đồng thời thúc đẩy giáo dục mầm non miễn phí.

Trong khi đó, bằng những màn pháo hoa rực rỡ, những lễ hội đặc sắc, người dân khắp nơi trên thế giới từ châu Á, châu Phi đến châu Âu, châu Mỹ đã tưng bừng chào đón năm 2019, với niềm hy vọng một năm mới tốt lành hơn.

Bắn pháo hoa đón năm mới 2019 tại Moscow, Nga. Ảnh: Sputnik International

Tại thành phố Sydney của Australia, một trong những địa điểm đầu tiên trên thế giới đón Năm mới, 1,5 triệu người tụ tập tại cầu cảng để chứng kiến màn bắn pháo hoa hoành tráng và ấn tượng nhất từ trước tới nay.  

Sự kiện đếm ngược đón chào năm 2019 cũng diễn ra rộng rãi trên khắp Trung Quốc. Chính quyền Hong Kong đã chi 1,8 triệu USD cho hoạt động này chào đón năm mới 2019.

Khép lại một năm thành công với những tín hiệu giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc bước vào năm 2019 với hy vọng về một nền hòa bình ổn định tại khu vực. Hàng nghìn người đã tràn xuống đường ở thủ đô Seoul để tham dự lễ rung chuông đón chào Năm mới. 

Bất chấp giá rét, người dân Mỹ cũng tập trung tại Quảng trường Thời đại, thành phố New York để tham gia lễ đếm ngược và sự kiện thả quả cầu pha lê đúng giờ khắc giao thừa.

Tại châu Âu, nước Nga đón chờ giao thừa ở những thời điểm khác nhau bắt đầu từ khu vực Viễn Đông, với các buổi hòa nhạc và ánh sáng tại thành phố Moskva. Hơn 1.000 sân trượt băng cũng mở cửa cho du khách đón chào Năm mới. Tại Pháp, người dân đón chào Năm mới 2019 bằng màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa với chủ đề "tình anh em" tại Khải Hoàn Môn, trong bối cảnh an ninh được siết chặt nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình "Áo vàng". 

2. Nhiều tín hiệu tích cực đầu năm trên Bán đảo Triều Tiên

Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên tiếp tục đón nhận tín hiệu tích cực sau các thông điệp năm mới từ các lãnh đạo Mỹ-Hàn-Triều.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6-2018. Ảnh: Reuters

Ngày 2-1, Tổng thống Trump cho biết ông đã nhận được một lá thư "tốt đẹp" từ ông Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ sớm gặp nhà lãnh đạo này. Tổng thống Trump cũng khẳng định ông chưa bao giờ nhấn mạnh đến tốc độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không sản xuất và thử vũ khí hạt nhân, hay trao vũ khí cho bên khác, cũng như sẵn sàng gặp ông bất cứ lúc nào.

Trước đó một ngày, trong thông điệp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: "Tôi luôn sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ vào bất cứ lúc nào và nỗ lực mang đến một kết quả mà cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh". Ông kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp trong đàm phán phi hạt nhân hóa, đồng thời nhấn mạnh mong muốn xây dựng "các mối quan hệ mới" với Mỹ, thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và tìm kiếm "phi hạt nhân hóa hoàn toàn".

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đánh giá thông điệp của ông Kim Jong-un có tác động tích cực tới việc giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên một cách suôn sẻ trong năm 2019. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng khẳng định tầm quan trọng của đối thoại và hoan nghênh những diễn biến tích cực trong mối quan hệ Mỹ - Triều.

3. CPTPP chính thức có hiệu lực

Ngày 30-12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, văn kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới.

Đại diện các quốc gia thành viên CPTPP chụp ảnh lưu niệm sau lễ ký kết hồi tháng 3-2018. Ảnh: Reuters

Theo thỏa thuận, CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1-2019.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân. Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

4. Liban quyết tâm thành lập chính phủ 

Các nhà lãnh đạo Liban đã bày tỏ quyết tâm sớm thành lập chính phủ, chấm dứt tình trạng bế tắc trên chính trường kéo dài gần 8 tháng qua sau cuộc tổng tuyển cử. 

Ông Hariri phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo ở Beirut, tháng 12-2018. Ảnh: Reuters

Ngày 2-1, hãng thông tấn nhà nước Liban NNA cho biết Thủ tướng nước này, ông Saad al-Hariri và Tổng thống Michel Aoun đã có cuộc gặp kín, trong đó khẳng định sẽ thúc đẩy tiến trình thành lập chính phủ. Chính phủ có thể sẽ sớm ra mắt trong đầu năm 2019 này.

Liban đã không thể thành lập được chính phủ kể từ sau cuộc bầu cử diễn ra đầu tháng 5-2018 do các phe phái bất đồng về việc phân chia các vị trí trong nội các. Tình trạng đó đã khiến nền kinh tế vốn mong manh của Liban thêm khó khăn. Hiện Liban là nước có mức nợ tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao thứ ba thế giới.

Theo kết quả bầu cử, phong trào Hezbollah và các đồng minh giành được hơn 1/3 trong tổng số 128 ghế Quốc hội, qua đó giúp họ nắm được quyền phủ quyết. Khối của Thủ tướng al-Hariri đã để mất 1/3 số ghế. Tuy nhiên, ông al-Hariri vẫn giữ chức Thủ tướng Liban bởi theo phân chia quyền lực, chức thủ tướng là của người Hồi giáo dòng Sunni, chức tổng thống là của người Thiên chúa giáo dòng Maronite; Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite và tổng số ghế trong quốc hội được chia đều giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

5. Nhà Trắng và phe Dân chủ tiếp tục căng thẳng về vấn đề ngân sách

Thế bế tắc dẫn tới việc chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa một phần vẫn chưa được tháo gỡ sau cuộc gặp ngày 2-1 giữa Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ về vấn đề này không đạt tiến triển. Hiện hai bên vẫn bất đồng về việc chấm dứt tình trạng chính phủ phải đóng cửa một phần do Tổng thống Trump kiên quyết theo đuổi mục tiêu xây dựng bức tường biên giới với yêu cầu Quốc hội duyệt chi 5,6 tỷ USD kinh phí.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN   

Trong khi đó, ngày 3-1, Nhà Trắng đã chính thức phản đối dự thảo ngân sách do đảng Dân chủ đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ. Nhà Trắng tuyên bố không thể chấp nhận dự luật "chỉ cung cấp ngân sách cho những chương trình lãng phí", trong khi lại bỏ qua các nhu cầu khẩn cấp về an ninh biên giới quốc gia. Nhà Trắng cũng cáo buộc phe Dân chủ "công khai lựa chọn tiếp tục đóng cửa chính phủ để bảo vệ những người di cư bất hợp pháp, hơn là người dân Mỹ"

Từ ngày 22-12-2018, ước tính khoảng 800.000 nhân viên công vụ tiếp tục phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc trong tình trạng không được trả lương. Ngân sách cấp cho 9 bộ cùng hàng chục cơ quan, trong đó có Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Mỹ, và Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã bị dừng lại.  

THANH SƠN (tổng hợp)