Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Trung-Ấn; Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức thăm Mỹ; Bạo lực tái diễn ở Dải Gaza… cũng là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.
1. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba
Sáng 27-4, ông Kim Jong Un đã qua đường phân giới ở khu phi quân sự DMZ giữa hai miền để tiến tới gặp ông Moon Jae In. Sau cái bắt tay, ông Kim dắt ông Moon đi về phần lãnh thổ của Triều Tiên trước khi hai ông tươi cười và cùng dắt tay nhau qua đường phân giới - cột mốc lịch sử cho cả hai nước.
Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sau hai hội nghị vào các năm 2000 và 2007, là kết quả tổng hợp từ chính sách ngoại giao khéo léo của ông Moon và quyết tâm của ông Kim. Ông Kim cũng là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Bình Nhưỡng đi qua vĩ tuyến 38 kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
|
Người dân Seoul theo dõi tin tức về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. Ảnh: Reuters |
Quyết tâm thúc đẩy nền hòa bình được phản ánh rõ nét qua tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo với cam kết sẽ "không còn chiến tranh" trên bán đảo Triều Tiên và mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới. Trong văn kiện mang tên "Tuyên bố Panmunjom vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên", hai bên đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, và biến Hiệp định đình chiến thành Hiệp ước hòa bình nhằm hướng đến chấm dứt chiến tranh trong năm nay.
Lãnh đạo thế giới và chính phủ các nước đã hoan nghênh kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều mang tính lịch sử lần này là một bước đi hướng tới hòa bình.
Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 cũng là bước tạo đà quan trọng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và ông Kim tới đây. Dù chặng đường tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên còn nhiều chông gai, xu thế hòa giải, đối thoại đang dẫn dắt vấn đề Triều Tiên đi đúng hướng và thắp lên niềm tin về hòa bình, ổn định cho toàn khu vực.
2. Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Trung-Ấn
Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Vũ Hán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi mở ra “một chương mới” trong mối quan hệ Trung- Ấn.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters |
Về phần mình, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh Trung Quốc và Ấn Độ có trách nhiệm giải quyết các thách thức toàn cầu và Hội nghị thượng đỉnh tại Vũ Hán này là "một cơ hội lớn" để làm điều này.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng châu Á này đang tìm cách vượt qua những bất đồng về biên giới.
Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều tránh đề cập tới những tranh cãi về lãnh thổ đang gây căng thẳng trong mối quan hệ Trung- Ấn. Cuộc gặp diễn ra chỉ vài tháng sau cuộc leo thang căng thẳng quanh khu vực biên giới Doklam, mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng hồi mùa hè năm 2017.
3. Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang vì khí đốt
Ukraine đã cảnh báo Nga rằng sẽ lãnh hàng loạt hậu quả nếu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Gazprom ngừng cung cấp khí đốt thông qua lãnh thổ Ukraine.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Financial Tribune |
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Kiev và Moscow hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2019. Tập đoàn Gazprom ngày 24-4 cho biết thỏa thuận này sẽ không được gia hạn dưới bất kỳ hình thức nào. Mặc dù vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục các hoạt động trung chuyển khí đốt, song Gazprom khẳng định điều này chỉ có thể xảy ra nếu Ukraine tạo điều kiện thích hợp.
Nga đang muốn cắt giảm đáng kể khối lượng khí đốt mà nước này đang trung chuyển qua Ukraine và tập trung vào việc vận chuyển khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc giữa Nga và Đức dưới lòng biển Baltic.
Moscow nói rằng Kiev trong nhiều năm qua là một đối tác không đáng tin cậy. Nga cũng đang cho xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và trong tương lai sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống này.
4. Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức thăm Mỹ
Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh lâu đời là Pháp tiếp tục được củng cố khi Tổng thống Emmanuel Macron cùng phu nhân vừa thực hiện chuyến công du tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
|
Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: arkansasonline.com |
Trong khi đó, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng dường như không thể có được đảm bảo về việc Washington tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran hay loại trừ vĩnh viễn châu Âu khỏi danh sách các nước sẽ bị áp thuế thương mại mới. Được báo chí ưu ái gọi là “người đối thoại của Châu Âu”, ông chủ Điện Elysee mang theo nhiều trọng trách trong các cuộc thảo luận với ông chủ Nhà Trắng, nhằm tìm điểm tương đồng cho hàng loạt hồ sơ quốc tế quan trọng, bao gồm: Thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình Syria, căng thẳng thương mại và vấn đề chống biến đổi khí hậu.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo sau hội đàm. Ảnh: abcnews.go.com |
Giống như ông Macron hồi đầu tuần, bà Merkel cũng tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là hòn đá nền tảng cho một thỏa thuận lâu dài và rộng lớn hơn liên quan đến vấn đề phát triển hạt nhân của Tehran.
Việc cân bằng giữa mối quan hệ đồng minh truyền thống và các lợi ích an ninh, kinh tế, thương mại vẫn là bài toán mà Pháp, Đức cũng như các nước Châu Âu sẽ phải tính toán kỹ khi nhìn về phía bên kia bờ Đại Tây Dương.
5. Bạo lực tiếp diễn tại Dải Gaza
Ngày 27-4, quân đội Israel đã nổ súng và sử dụng hơi cay nhằm vào hàng nghìn người biểu tình Palestine tại khu vực biên giới giữa Dải Gaza và Israel, khiến gần 200 người bị thương.
Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Zeid Ra’ad Al Hussein chỉ trích việc quân đội Israel sử dụng đạn thật, khiến người biểu tình thiệt mạng và bị thương. Ông cho rằng đây là hành động đáng lên án.
|
Căng thẳng tại Gaza vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: jisrtv.com |
Bộ Ngoại giao Israel không đưa ra bất cứ bình luận phản hồi nào trước tuyên bố của ông Al Hussein bởi lâu nay, Chính phủ Israel lập luận đây là cách thức bảo vệ biên giới và binh sĩ Israel luôn tuân thủ các quy định khi can dự vào các cuộc biểu tình.
Xung đột giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel trong gần 1 tháng qua đã khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương.
Các cuộc tuần hành và biểu tình diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa đàm Trung Đông vẫn rơi vào bế tắc sau nhiều năm. Nguy cơ đụng độ và biểu tình còn gia tăng sau khi Mỹ có ý định rời đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem vào ngày 14-5 tới, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Israel tuyên bố độc lập.
6. Kuwait và Philippines căng thẳng sau bê bối giải cứu lao động
Quan hệ giữa Kuwait và Philippines đang trở nên ngày càng căng thẳng sau vụ bê bối giải cứu lao động kéo dài 3 tháng qua giữa hai nước.
|
Tổng thống Duterte cầm ảnh một lao động nước này bị bạo hành ở Kuwait. Ảnh: gulfbusiness.com |
Theo đó, ngày 25-4, Kuwait đã yêu cầu Đại sứ Philippines phải về nước trong vòng một tuần, đồng thời triệu hồi Đại sứ của mình về tham vấn sau khi các nhân viên đại sứ quán Philippines cố "giải cứu" những người làm giúp việc gia đình. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ bê bối lao động kéo dài 3 tháng qua giữa hai nước.
Vụ việc xuất phát từ các báo cáo về việc một số lao động Philippines đã bị chủ lao động người Kuwait lạm dụng đến chết. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Đại sứ quán buộc phải hỗ trợ những người lao động Philippines đang tìm kiếm sự giúp đỡ trong tình huống đối mặt giữa sự sống và cái chết. Trong khi đó, Kuwait lại xem đây là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này.
Thậm chí, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi người lao động tại Kuwait về nước và ra lệnh cấm người dân nước này đến quốc gia vùng Vịnh làm việc. Hiện có hơn 250.000 người lao động Philippines làm việc tại Kuwait, trong đó phần lớn là người giúp việc nhà.
VĂN HIẾU (tổng hợp)