Theo quy định của Sở chứng khoán Tô-ki-ô, Toshiba phải cung cấp báo cáo tài chính hằng quý vào ngày 14-2 vừa qua. Tuy nhiên, Toshiba đã không thể nộp báo cáo như yêu cầu, cũng như chưa xác nhận khoản lỗ 6,3 tỷ USD. Điều này khiến cổ phiếu tập đoàn giảm mạnh, thậm chí có lúc giảm tới 10%.

Các báo cáo ban đầu cho biết, Toshiba đang chịu một khoản lỗ lên đến 6,3 tỷ USD, vì có liên quan tới một thỏa thuận năng lượng hạt nhân của Westinghouse Electric, công ty con của Toshiba ở Mỹ. Cụ thể, Westinghouse Electric đã mua lại một công ty chuyên về dịch vụ và sản xuất thiết bị năng lượng hạt nhân của Chicago Bridge & Iron (CBI) trong năm 2015 với mục đích giúp Westinghouse Electric hoàn thiện các dự án tại bang Gioóc-gi-a và Nam Ca-rô-li-na. Tuy nhiên, do nhu cầu điện hạt nhân trên toàn thế giới giảm sút, kèm theo đó là năng lực quản lý các dự án yếu kém đã đẩy chi phí nguyên liệu và lao động lên cao, vượt quá mức dự tính khiến Toshiba liên tục phải gánh những khoản lỗ khổng lồ.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Tập đoàn Toshiba Si-gê-nô-ri Si-ga xin từ chức sau vụ kinh doanh thất bại trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ảnh: Getty 
Vài giờ sau khi tập đoàn điện tử khổng lồ này xin hoãn công bố báo cáo tài chính, Chủ tịch Toshiba Si-gê-nô-ri Si-ga (Shigenori Shiga) đã xin từ chức. Thông tin từ CNN cho biết, dù từ chức, song ông Si-ga vẫn ở lại công ty đến tháng 6 tới để giải quyết các vấn đề liên quan tới thương vụ hạt nhân của Công ty Westinghouse Electric.

Được thành lập từ năm 1939, qua sự hợp nhất của Shibaura Seisaku-sho (thành lập năm 1875) và Tokyo Denki (thành lập năm 1890), tính đến nay, Tập đoàn Toshiba đã hoạt động được hơn 140 năm. Các sản phẩm điện tử của hãng như: Ti vi, điều hòa, tủ lạnh từng được coi là biểu tượng của Nhật Bản và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2014, Tập đoàn Toshiba liên tục cho thấy những biểu hiện của hoạt động kinh doanh không hiệu quả ở nhiều mảng khác nhau. Cụ thể, năm 2016, tập đoàn này dính vào vụ bê bối tài chính lớn nhất lịch sử Nhật Bản, theo đó, vì sức ép lợi nhuận, Toshiba đã “một tay che kín bầu trời” khi thổi phồng lợi nhuận trong 7 năm liền. Khởi điểm của quá trình phát giác vụ bê bối của Toshiba bắt đầu từ tháng 2-2015, khi Ủy ban Giám sát Chứng khoán và Ngoại hối Nhật Bản (SESC) cảm thấy “gợn” trong sổ sách kế toán của Toshiba. Các điều tra viên không khỏi thắc mắc khi giá trị tài sản của Công ty Westinghouse Electric, nơi Toshiba đóng góp 87% cổ phần, được ghi nhận nhiều tới vậy, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã giảm sút sau thảm họa động đất-hạt nhân Fukushima năm 2011 cũng như sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp dầu khí đá phiến Mỹ.

Sau đó, vụ việc tiếp tục được phanh phui bởi chính Toshiba khi tập đoàn này thuê một tổ chức thứ ba độc lập để tiến hành điều tra sổ sách. Các sai lệch kế toán ban đầu được phát hiện tại các dự án hạ tầng của Toshiba thuộc các lĩnh vực hạt nhân, thủy điện, thiết bị điện gió, kiểm soát không lưu và hệ thống đường sắt. Chưa dừng lại ở đó, các sai phạm còn xảy ra trong các lĩnh vực sản phẩm nghe nhìn, máy vi tính cá nhân và sản xuất chip nhớ…

Với việc thua lỗ hàng tỷ USD trong kinh doanh thời gian qua, giới phân tích nhận định, nhiều khả năng Toshiba có thể sẽ nộp đơn xin phá sản trong vài ngày tới. Nếu Toshiba không thể trụ vững thì ước tính có hơn 200.000 nhân công tại Nhật Bản sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp và hơn 140 năm xây dựng cơ đồ của Toshiba sẽ “tan thành mây khói”.

Để cứu vãn tình thế, Toshiba cho biết, tập đoàn sẽ dừng mở rộng mảng kinh doanh năng lượng hạt nhân tại Mỹ cũng như các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo CNN, Toshiba vẫn sẽ hoàn thành hai lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở Gioóc-gi-a và Nam Ca-rô-li-na.

BÌNH NGUYÊN